Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 19/07/2023 15:00:09
Số lần đọc: 406
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Chương trình) là nội dung Kế hoạch số 6195/KH-UBND, được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 18/7/2023.


Chương trình cũng yêu cầu phát triển du lịch nông thôn phải gắn với các tuyến giao thông chiến lược

Chương trình nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của tỉnh, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch; xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách và chất lượng; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ, qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn...

Theo đó, đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 có từ 1 - 2 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn cấp tỉnh; xây dựng thí điểm ít nhất 5 mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh…

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 18/07/2023

Cùng chuyên mục