Hoạt động của ngành

Kết nối du lịch “rừng - biển”: Cơ hội của những đô thị mới

Cập nhật: 15/08/2022 04:58:59
Số lần đọc: 556
Ngành du lịch miền Trung – Tây Nguyên vừa đạt được bước tiến hợp tác mới khi thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh/thành phố miền Trung giai đoạn 2022 - 2026 đã được thống nhất thông qua tại TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 5/8/2022 vừa qua.  


Theo đó, câu chuyện phát triển du lịch kết nối giữa “rừng và biển” sẽ có cơ hội thực thi tốt hơn với các đô thị mới của những địa phương trong phạm vi này.

Những lãnh đạo đại diện ngành du lịch các địa phương đều nhìn nhận tại chương trình xúc tiến du lịch được triển khai từ ngày 3 –5/8 vừa qua rằng, yêu cầu hợp tác phát triển du lịch “rừng biển” là bức thiết. Cần tận dụng sức mạnh, tiềm lực phát triển du lịch đặc thù của mỗi địa phương, trong góc cạnh khai thác hợp lý lợi thế du lịch riêng, mới có thể tạo nên một hiện trường tổng thể chung về quy hoạch, đầu tư và khai thác du lịch hiệu quả cho cả vùng miền.

Đèo Phượng Hoàng trên Quốc lộ 26 - tuyến đường kết nối du lịch giữa Buôn Ma Thuột với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: Hữu Hùng

Hai lý do "đấu nối" rừng và biển

Ở lần tham dự liên kết này, có 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) và 5 tỉnh/thành phố miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng) tham gia. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, đơn vị đăng cai tổ chức nhìn nhận, đây chỉ là bước kết nối vùng miền đầu tiên, có giá trị khởi phát sau nhiều năm cố gắng vận động, phát triển du lịch của từng địa phương. “Gỡ thế khó phát triển khi đơn độc, cục bộ bằng liên kết vùng miền, liên kết cơ hội và lợi thế riêng giữa rừng và biển là điều đã được tính đến nhiều năm rồi, nhưng nay các tỉnh mới có điều kiện thực thi”, ông Hà nhấn mạnh.

Theo cách nhìn này, có hai vấn đề được đặt ra và giải quyết.

Thứ nhất, du lịch miền Trung Tây Nguyên đã khởi sắc. Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam… đều nổi bật với con số hàng triệu lượt du khách ghé thăm. Du lịch Tây Nguyên với những sự kiện hội hoa Đà Lạt hay cà phê Buôn Ma Thuột cũng đăng đàn tấp nập trên chính các diễn đàn du lịch quốc tế. Song, thế mạnh này của các địa phương vẫn rất đơn độc, thiếu sự đấu nối lan tỏa, thiếu khả năng xâu chuỗi logistics hiệu quả để hành trình mỗi du khách được tròn trịa hơn, hấp dẫn hơn.

Du khách thưởng thức cà phê giữa đô thị Buôn Ma Thuột.

Thứ hai, phát triển được du lịch, nhưng mỗi địa phương lại chưa tìm thấy, chưa thể hiện được dấu ấn đặc sắc thật sự của mình, từ đó mới hợp tác được nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đầu tư và xã hội hóa cho nền công nghiệp không khói, ở thời cơ mới. Dịch bệnh COVID-19 là một phép thử khá cay đắng, sau khi diễn ra đã làm du lịch các địa phương “tan tác”, lộ rõ sự yếu nhược khi sản phẩm các địa phương hóa ra giống na ná nhau, chỉ ở bề nổi, không có phần chìm hấp dẫn. Cần đổi mới hiện trạng này, ngay từ bối cảnh du lịch tìm cách phục hồi hiện nay, mới có thể tái khởi lại cơ hội. Trong đó, câu chuyện du lịch biển kết nối du lịch rừng, thật sự rất hấp dẫn và cần được xử lý thấu đáo, mới đi đến thành công.

Cơ hội du lịch đô thị mới

Điều đáng nói là trong thế phát triển du lịch hiện đại, đan xen giữa truyền thống và hiện tại, vai trò các đô thị mới án ngữ rất quan trọng. Những đô thị du lịch, đô thị sự kiện mới, như cách gọi, cách tổ chức của các địa phương, đang là tâm điểm quan trọng để khai thác du lịch hiệu quả hơn. Trong những năm qua, hình ảnh một Đà Nẵng năng động, Huế sáng tạo ngay trong tư thế bảo tồn, Hội An xâu chuỗi thời gian vào không gian, Buôn Ma Thuột sâu đậm với hình ảnh thủ phủ cà phê, Đà Lạt với giấc mơ hoa diễm lệ… đã rất ấn tượng với cộng đồng. Tổ chức khai thác được du lịch tại những thành phố này, là một điều kiện cần và đủ cực kỳ tốt để du lịch các địa phương khởi sắc. Nhất là ở phương diện liên kết, các điều kiện đi lại, lưu trú, tổ chức sự kiện, hoạt động đông người tại các đô thị này thật sự thuận lợi. Nếu hình thành được những chuỗi tour đưa du khách khám phá xuyên tỉnh, xuyên vùng, sẽ là một câu chuyện quá hấp dẫn.

Quan trọng hơn, các địa phương miền Trung gắn liền biển, và ở Tây Nguyên với cao nguyên rừng núi, thực sự là hiện thực khai thác du lịch rất hiệu quả. Trải nghiệm cảm giác hứng thú với sóng gió và cát trắng hoang sơ, rồi thử thách leo thác, xuyên rừng lội suối với những bản làng trầm mặc, là điều hứng thú tuyệt với không chỉ cho du khách nước ngoài, mà đa số người dân bản địa còn chưa được nếm trải. Nên "đấu nối" được mô hình “du lịch rừng biển” là thực cảnh phải làm, cần làm của du lịch miền Trung – Tây Nguyên.

Du khách khám phá đô thị Huế.

Để bổ trợ cho cơ hội ấy, các địa phương trong dòng chảy đầu tư xã hội, đang từ từ hình thành những khu cụm đô thị mới, hiện đại với điều kiện lưu trú, sinh hoạt tập trung và thuận lợi hơn, ở ngay các thành phố tâm điểm du lịch. Một Đà Nẵng với những dự án đô thị hiện đại lan tỏa vùng tây bắc, tây nam, một Huế mở rộng đô thị gấp 4 lần để đảo chiều sinh hoạt người dân, không còn co cụm ở trung tâm nữa, một Buôn Ma Thuột với những cụm đô thị vành đai mới, một Đà Lạt tìm cách thoát khỏi cái áo thung lũng chật chội… Dáng dấp đô thị hóa đã hiện hữu với những địa phương này, thì cơ hội để du khách đến trải nghiệm từng vùng đất, ngày lang thang với “cái nắng cái gió”, đêm bình an với giấc ngủ đủ điều kiện thưởng ngoạn, là rất cần thiết và rõ ràng. Vấn đề còn lại, tự các địa phương có sắp soạn được và đúng những sản phẩm đặc thù, dấu ấn đặc trưng cho mình hay không, để rồi cùng bày biện lên “bàn tiệc du lịch” quốc gia, du lịch khu vực và bước ra thế giới.

Nguyên Đức

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 14/8/2022

Cùng chuyên mục