Non nước Việt Nam

Kẻ Mọc và phiên chợ Tết lịch sử

Cập nhật: 24/01/2022 09:27:03
Số lần đọc: 917
Kẻ Mọc là vùng đất cổ xưa có rừng. Kẻ Mọc phiên âm ra chữ là Mộc Cự, sau đổi ra Nhân Mục. Sau, do dân ngày càng đông nên chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu và Nhân Mục Môn. Nhân Mục Môn có các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất; nay Nhân Mục Môn thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân).


Lễ hội làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).

Ở Kẻ Mọc hiện còn nhiều di tích văn hóa. Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương (tức Hùng Lãng công) và Thánh bà Trương Mỵ nương vốn là con gái của làng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông gọi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng bằng chú. Hai thôn Chính Kinh và Cự Lộc có chung một ngôi đình gọi là đình Cóc vì hai trụ cột có 4 con cóc chầu nhau thờ Đoàn Thượng tướng quân thời Lý Huệ Tông.

Vùng Mọc mở hội vào tháng Hai và có tục rước của 5 làng, nhưng 5 năm mới mở một lần. Ca dao có câu: “Làng Mọc mở hội tháng Hai/ Rước hôm 11, 12 rõ ràng”. Dân Kẻ Mọc làm ruộng nhưng cũng có nhiều người buôn bán giàu có nên có câu: “Tiền Kẻ Mọc, thóc Mễ Trì”. Lại có nhiều người đỗ đạt, vì thế còn có câu: “Quan Kẻ Mọc, thóc làng Khoang”.

Thời xưa, có một con đường lớn chạy qua Nhân Mục Môn lên Hòa Bình, trên đường có cầu Nhân Mục, hay còn gọi là cầu Mọc bắc qua sông Tô Lịch. Tại Nhân Mục Môn và cầu Mọc diễn ra hai trận đánh lịch sử của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt quân Minh. Ngày 20 tháng Chín năm 1426, tướng giặc Minh là Trần Trí đem quân ra Nhân Mục để tìm diệt nghĩa quân nhưng quân ta phục trong các làng, để cho giặc đi qua cầu mới bất ngờ xông ra đánh giáp lá cà tiêu diệt nhiều quân Minh, bắt sống đô đốc Viên Lượng. Những tên chưa qua cầu vội vã quay trở lại thành Đông Kinh. Tiếp đó, ngày 6 tháng Mười (năm 1426), Vương Thông đã đưa hàng vạn quân tăng viện, hai tướng giặc là Mã Kỳ và Sơn Thọ lại đưa quân qua cầu Mọc đánh đến vùng Thanh Oai nhưng bị quân ta truy kích từ Thanh Oai ra cầu Mọc. Bên đầu cầu phía bắc, dân binh làng Mọc chặn không cho qua nên quân Minh bại trận và Mã Kỳ liều mạng cưỡi ngựa chạy thoát vào thành Đông Kinh. Xác giặc được dân gom lại chôn vào 6 đống gọi là Đống Thây, còn con đường từ cầu Mọc qua Nhân Mục Môn gọi là Đường Vỡ.

Kẻ Mọc có phiên chợ một năm chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng Chạp. Theo truyền thuyết, sau ngày 23 tháng Chạp, các chợ trong thành đã đóng cửa nên hàng hóa của bà con quanh vùng không bán hết, vì thế Đoàn Thượng tướng quân cho phép mở chợ vào ngày này để bà con bán hết nông sản lấy tiền ăn Tết, và cũng là để ai chưa mua đủ thì mua sắm thêm. Xưa chợ bán bánh kẹo của làng Lủ, gạo tám làng Định Công, rau của làng Láng, cá Thịnh Liệt...

Hơn 3 thế kỷ sau, ngày 27 tháng Chạp năm 1788, cũng tại Nhân Mục Môn đã diễn ra một cảnh ngoạn mục khi quân của Quang Trung bắt mấy chục tên lính Thanh ngay tại phiên chợ. Sau khi tiến quân ra Bắc, Quang Trung đã cắt một cánh quân giao Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy bí mật đóng quân ở Kẻ Mọc. Trong thời gian ém quân tại đây, nghĩa quân được dân Kẻ Mọc chăm nuôi và có hai chị em ruột ở Nhân Mục đã xin theo lo cơm nước và múa hát động viên quân sĩ. Ở Quan Nhân còn có một ông thợ mộc đã hiến kế cho nghĩa quân bện bùi nhùi bằng rơm để đốt trại Khương Thượng.

Phiên chợ Tết ngày 27 vẫn diễn ra bình thường. Quân Thanh đóng ở đồn Khương Thượng cho mấy chục tên lính đi chợ mua lương thực, thực phẩm và rau củ quả để ăn Tết. Trước đó, từ sớm, nghĩa quân đã ăn mặc giả dân thường ra chợ. Đợi cho số lính Thanh vào hết chợ, quân ta đã chia ra, cứ 4 người áp sát một tên rồi bắt đưa về trại. Dân chúng đi chợ vô cùng hân hoan nhưng nhớ lời dặn của Đô đốc Đặng Tiến Đông vẫn họp chợ hết buổi như mọi năm. Đến chiều, không thấy quân lính đi chợ về, tướng giặc chỉ huy đồn Khương Thượng là Sầm Nghi Đống nghi ngờ bọn họ bị quân ta bắt cóc nhưng không dám cho quân ra vùng Mọc lùng soát vì sợ bị phục kích. Mặt khác, Sầm Nghi Đống cũng biết tin Quang Trung đang thúc quân theo đường Thiên Lý tiến về đồn Ngọc Hồi. Ngày mùng 3 Tết, hạ được đồn Ngọc Hồi nhưng Quang Trung vẫn chưa tiến vào Thăng Long mà cho diễu binh khiêu khích. Trong khi đó, Đô đốc Đặng Tiến Đông cho khai thác tình hình đồn Khương Thượng, đã bất ngờ đánh đồn. Nhóm đi đầu ăn mặc quần áo của lính Thanh bị bắt ở chợ Mọc nên lính gác tưởng bọn đi chợ được tha đã cho vào. Lúc đó, nghĩa quân ào ào xông vào tiêu diệt  địch. Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự tử ngay trong trại.

Sau khi hạ đồn Khương Thượng, quân ta tiến đánh và lấy đồn Nam Đồng, giải phóng Đông Kinh để rồi ngày 5 tháng Giêng, vua Quang Trung cưỡi voi vào thành...

Nguyễn Ngọc Tiến

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT