Hoạt động của ngành

Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao

Cập nhật: 20/12/2019 09:08:41
Số lần đọc: 1031
Lấy phong trào xây dựng làng văn hóa làm trọng tâm, triển khai thực hiện rộng khắp từ cơ sở, huyện Bá Thước đã và đang phát huy được hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.


Tiết mục giao lưu với khách du lịch của đội văn nghệ bản Đôn, xã Thành Lâm.

Được triển khai từ năm 1989, qua 30 năm, phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc đẩy nhanh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, phong trào xây dựng làng văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai sâu rộng, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt đông các thiết chế văn hóa, thể thao cho nhân dân. Trong quá trình phát triển phong trào, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan sạch đẹp luôn được coi trọng, bằng việc huy động sức dân đào đắp hàng vạn m3 đất đá để làm sân vận động, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng nhà văn hóa, cổng làng, điểm vui chơi giải trí.

Đến nay, toàn huyện có 154 nhà văn hóa, 175 cổng làng, 310 sân vận động, sân tập thể thao (có 40 sân kích cỡ lớn 90 x 60; 270 sân mini) tổng chi phí xây dựng thiết chế văn hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thường xuyên duy trì phong trào cầu lông, bóng đá, bóng chuyền; hàng năm tổ chức tốt hội thi văn hóa thể thao cấp huyện, cấp xã, đặc biệt ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc... Thông qua các hội thi, hội diễn nhiều giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống được phát huy, gìn giữ.

Qua đánh giá của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước: Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các xã, thị trấn đã có sự nỗ lực đầu tư nhằm củng cố các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt, nhà văn hóa các bản, làng còn là nơi duy trì các hoạt động văn nghệ, từ đó đã ra đời các đội văn nghệ của địa phương. Các sân tập thể thao, ngoài các sân bóng đá, bóng chuyền, đã có thêm những sân cầu lông, bàn bóng bàn... Đây chính là cơ sở để cho ra đời hàng chục câu lạc bộ thể thao dành cho nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của nhân dân. 100% các xã, thị trấn, các làng, bản đều có đội bóng chuyền, duy trì luyện tập thường xuyên.

Ngoài ra, với việc tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch khám phá, cộng đồng, hoạt động của các đội văn nghệ, thể thao dân tộc trên địa bàn một số xã như Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Cao Sơn... với du khách trong nước và quốc tế ngay tại nhà văn hóa các bản, làng làm du lịch cộng đồng được xem là yếu tố rất quan trọng để huyện Bá Thước tiếp tục quảng bá hình ảnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đồng chí Hà Nam Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm cho biết: Là xã còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác chăm lo đời sống tinh thần, rèn luyện TDTT cho nhân dân luôn được quan tâm. Mặt khác, nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, là một trong những điểm du lịch quan trọng của huyện, vậy nên nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao là một trong những yếu tố quan trọng để xã Lũng Niêm cùng với huyện thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng huyện Bá Thước luôn xác định rõ nhiệm vụ phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Với cách làm tránh hình thức, rập khuôn, các xã, thị trấn đều có sự vận dụng sáng tạo trên cơ sở điều kiện, đặc thù của mình để phát huy cao nhất hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm công tác quản lý, sử dụng các công trình nhà văn hóa, sân vận động, sân tập thể thao. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Sau quá trình sáp nhập các thôn, bản, huyện cũng sẽ rà soát tổng thể các công trình nhà văn hóa, sân tập TDTT trên toàn địa bàn, từ đó có sự sắp xếp hợp lý, tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển theo hướng đa dạng hóa, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục