Non nước Việt Nam

Hút khách bằng nghề truyền thống

Cập nhật: 20/10/2023 14:35:50
Số lần đọc: 1004
Trong quý IV năm 2023, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại Trà Vinh và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm tại An Giang. Đó là những nội dung chính của Quyết định số 2896/QĐ-BVHTTDL về tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh và An Giang.

 Mão, mặt nạ gắn liền một số loại hình nghệ thuật dân gian, đời sống tâm linh của người Khmer Ảnh: T.L

 Đây là hoạt động nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu sốgắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nghề thủ công truyền thống trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống; động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Theo đó, trong quý IV năm 2023, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại Trà Vinh và dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm tại An Giang. Hoạt động này góp phần truyền dạy, bảo tồn tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vai trò của nghề thủ công truyền thống trong phát huy thế mạnh địa phương, thu hút nguồn vốn đầu tư; phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần phát triển văn hóa, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Cụ thể, lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer sẽ diễn ra tại huyện Châu Thành (Trà Vinh), với sự tham gia của 54 học viên là đồng bào dân tộc Khmer dưới sự hướng dẫn, đào tạo của 2 Nghệ nhân Ưu tú dân tộc Khmer - chủ thể văn hóa nắm giữ nghề chế tác mão, mặt nạ, nhạc cụ, truyền dạy trình diễn nghệ thuật truyền thống. Tại An Giang sẽ diễn ra lớp truyền dạy nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu với sự tham gia của 63 học viên. Các học viên sẽ được 4 nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống truyền dạy quy trình, kỹ năng tạo hình dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm.

Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nói riêng, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt thể hiện đậm chất văn hóa dân gian của dân tộc Khmer. Đồng bào Khmer gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Do đó, nghề chế tác mão, mặt nạ thủ công xuất hiện từ lâu đời trong cộng đồng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Mão, mặt nạ gắn liền một số loại hình nghệ thuật dân gian như múa Sa dam, hát À day, ca kịch Rô băm, sân khấu Dù kê và trong đời sống tâm linh của người Khmer. Mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt trong những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Khmer.

An Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang tập trung chủ yếu tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Dệt thổ cẩm ngoài việc cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, còn là cách để người Chăm giữ gìn bản sắc, lưu giữ truyền thống và phát huy giá trị trong văn hóa, du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Khmer và Chăm ở Trà Vinh và An Giang là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng nói chung.

Việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số tại Trà Vinh và An Giang là dịp các nghệ nhân, học viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề thủ công truyền thống các dân tộc Khmer và Chăm, từ đó có giải pháp khoa học, đồng bộ trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh và An Giang. 

Nguyễn Nam

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 20/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT