Non nước Việt Nam

Hát Quan họ thờ ở Bắc Ninh

Cập nhật: 08/12/2020 08:19:29
Số lần đọc: 1054
Trong không gian cổ kính của đình, đền, nghi lễ hát Quan họ thờ từ xa xưa đến nay vẫn được các làng Quan họ gốc gìn giữ, phát huy. Hát Quan họ thờ thường được tổ chức vào dịp lễ hội làng, hội xuân nhằm ca ngợi công đức của các vị thần, thánh, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tốt tươi.

Hát Quan họ thờ tại đình làng Hoài Thị, xã Liên Bão (Tiên Du).

Được dự canh hát thờ của làng Quan họ gốc Hoài Thị, xã Liên Bão (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), mới thấy những nét độc đáo của hát Quan họ thờ. Quan họ chủ Hoài Thị đón Quan họ bạn Viêm Xá từ cổng làng, hai bên tay bắt, mặt mừng khi được gặp nhau. Quan họ bạn chu đáo sắm sửa lễ dâng lên thành hoàng làng được thờ tại đình, bày tỏ lòng thành kính. Sau khi hai bọn Quan họ dâng hương làm lễ, Quan họ chủ mời Quan họ bạn bước vào canh hát thờ tại đình. Hai bọn Quan họ ngồi đối diện nhau trên chiếu để ca. Trong không gian đình làng cổ kính, thâm nghiêm những làn điệu Quan họ cổ mượt mà được ngân vang: “Thoạt chân em bước vào đền/Chắp tay lạy thánh hiển linh độ trì…/Trước đền có một cây đa/Vương Mẫu hạ giới Phật Bà Chúa Tiên… /Chúc mừng thượng đẳng tối linh…/Trên thuận lòng giời/dưới thuận lòng dân…”.


Liền anh Quan họ Nguyễn Sỹ Yên, Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Thị cho biết: Vào dịp lễ hội, Quan họ Hoài Thị mời Quan họ bạn Viêm Xá đến dự hội, bao giờ cũng có canh hát thờ tại đình làng vừa để cầu mong cho dân làng được bình an, mùa màng bội thu vừa để cầu cho tình bạn giữa 2 bọn Quan họ được gắn bó keo sơn bền chặt.


Theo các nghệ nhân thì hát Quan họ gồm có các hình thức: Hát Quan họ ở hội, gọi là hát hội; hát Quan họ ở đám, gọi là hát mừng; hát Quan họ tại nhà giữa hai nhóm Quan họ trai gái mời nhau, gọi là hát canh; hát Quan họ ở cửa đình, cửa đền, gọi là hát thờ. Nếu như ở hình thức hát chúc, hát mừng được thể hiện theo nguyên tắc “tiền chủ hậu khách” thì ở hình thức hát thờ nguyên tắc này ngược lại là “tiền khách hậu chủ” nghĩa là Quan họ khách ca trước, Quan họ chủ ca sau. Khi hát Quan họ thờ, ca ở 5 giọng lề lối cơ bản: La rằng, tình tang, đường bạn kim lan, cái ả, cây gạo, tuyệt đối không ca các bài ở giọng lẻ, giọng vặt, giọng giã bạn. Trong hát thờ thực hiện nguyên tắc hát cả bọn, không hát đối đáp giữa đôi nam, đôi nữ như ở hình thức hát canh. Hát Quan họ thờ thường có 3 người hát chính là những người hát giỏi nhất trong bọn Quan họ, thuộc từ đầu đến cuối, những người hát phụ nếu quên có thể dừng lại nhưng khi bắt vào thì phải hòa quện với người hát chính mới bảo đảm “vang, rền, nền, nảy”. Nội dung hát Quan họ thờ là ca ngợi công đức của vị thánh, thần được thờ tại đình, đền, thời gian có thể kéo dài đến nửa tiếng. Hát Quan họ thờ ngoài được tổ chức vào dịp lễ hội, hội xuân, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và ca ngợi công đức của thành hoàng làng hoặc vị thánh được dân làng thờ trong đình, đền, đây còn là một thủ tục khi hai bọn Quan họ kết bạn với nhau thì đều phải hát thờ ở đình hai làng. Bọn Quan họ của làng này sẽ sang đình của bọn Quan họ ở làng kia để hát và ngược lại, nội dung hát thờ là cầu mong vị thần, thành hoàng làng chứng giám và công nhận tình bạn của hai làng Quan họ để 2 làng được đi lại và hát Quan họ danh chính.


Liền anh Đỗ Dũng đến từ CLB Quan họ Nhị Hà là người yêu say những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh chia sẻ: Những làn điệu Quan họ mượt mà đã làm tôi say đắm từ thời trai trẻ. Càng tìm hiểu về Quan họ, tôi càng nhận thấy có rất nhiều nét độc đáo trong đó có hát Quan họ thờ. Điều này minh chứng cho thấy Quan họ gắn liền với việc thờ cúng tín ngưỡng tâm linh của người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc. Trong hát Quan họ thờ thể hiện sự tôn kính với thần, thánh những người có công với dân với nước và mong cầu điều tốt đẹp.
Dù cuộc sống phát triển, ngày nay, hát Quan họ thờ vẫn được các làng Quan họ gốc tổ chức mỗi dịp đầu Xuân, trong các hội làng, đình đám, các bọn Quan họ lại mời nhau đến dự hội, cùng hát chúc, hát mừng khi đón nhau và rồi trải chiếu hát Quan họ thờ để khẳng định tình bạn khăng khít gắn bó giữa 2 bọn Quan họ. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm của thế hệ sau với ông cha trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong đời sống đương đại.

Minh Hường

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT