Hoạt động của ngành

Hang Huổi Cang, Huổi Đáp được công nhận Di tích quốc gia

Cập nhật: 29/05/2019 08:39:54
Số lần đọc: 696
Tối 28/5, tại xã Pa Ham thuộc huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, UBND huyện Mường Chà tổ chức Lễ công bố, đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với quần thể di tích danh thắng hang động Huổi Cang, Huổi Đáp.

Theo Quyết định số 1183/QĐ-BVHTTDL, ngày 28-3-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di tích danh thắng hang động Huổi Cang, Huổi Đáp thuộc địa phận hai bản Huổi Cang, Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong dãy núi đá vôi cao gần 500 m so mực nước biển, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng nghìn năm. Hang động Huổi Cang và Huổi Đáp cách nhau 450 m, được bao bọc bởi khu rừng tái sinh, nương rẫy và một số hang động nhỏ khác. Đây là tuyệt tác nghệ thuật, hội tụ nhiều tính đa dạng của thiên nhiên như: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979, khu vực này từng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan nhà nước, nơi cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược của quân, dân tỉnh Lai Châu (cũ).

Hang động Huổi Cang có chiều dài hơn 1 km, cửa hang rộng 1 m, cao 1,5 m; chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, dưới nền hang động là đất, đá, nhiều nhũ đá các màu: xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, cây nấm, tượng Phật và hình những con vật như: khủng long, tê giác một sừng, voi, hải cẩu…

Hang động Huổi Đáp có tổng chiều dài 350 m, chia làm ba khoang; cửa hang rộng 3 m, cao 1,5 m ăn sâu xuống lòng đất khoảng 7 m. Khoang thứ nhất có chiều dài khoảng 100 m, nơi rộng nhất từ 25-30 m, vòm khoang cao từ 15-20 m có nhiều khối nhũ đá ánh màu vàng và xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong các nhũ đá, hốc đá và măng đá. Khoang thứ hai có nhiều khối nhũ đá hình ruộng bậc thang, hình ang nước được trang trí nhiều đường diềm màu nâu, màu vàng và xám đen… Khoang thứ ba dài khoảng 100 m nhưng cửa hẹp phải nghiêng người chui qua. Trong khoang này có những khối đá màu vàng, xám đen liên kết với nhau thành những khối liền mạch, nhẵn nhụi, thông suốt từ đầu đến cuối ngách mang vẻ đẹp riêng biệt.

Phát biểu ý kiến tại Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với quần thể di tích danh thắng hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, lãnh đạo UBND huyện Mường Chà, khẳng định: Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nhận xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia, là sự kiện quan trọng tạo tiền đề mới để huyện Mường Chà thu hút du khách, phát triển du lịch. Hiện nay, quần thể danh lam thắng cảnh hang động này nằm trên tuyến liên kết phát triển du lịch, kết nối với điểm di tích khác trên tuyến đường từ thành phố Ðiện Biên Phủ đi huyện Mường Chà qua huyện Tuần Giáo, kết nối với điểm du lịch sinh thái, du lịch trên sông Nậm Mức đầy thơ mộng, hùng vĩ nên rất có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Để khai thác giá trị đồng thời quảng bá vẻ đẹp hang động Huổi Cang, Huổi Đáp đến du khách trong và ngoại tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Mường Chà giao các phòng, ban chuyên môn huyện phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp hang Huổi Cang, Huổi Đáp bằng tờ rơi, tờ gấp, phóng sự, phim tài liệu… Tới đây, huyện sẽ đầu tư kinh phí làm đường đến hang động, lắp thêm hệ thống chiếu sáng trong hang để phục vụ khách tham quan an toàn, thuận tiện. Với chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Pa Ham, UBND huyện Mường Chà cũng đề nghị tiếp tục nêu cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, ngăn chặn hành mọi vi xâm hại di tích để hang động Huổi Cang, Huổi Đáp mãi là niềm tự hào của người dân xã Pa Ham nói riêng, huyện Mường Chà nói chung.

 

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục