Hoạt động của ngành

Hải Hà (Quảng Ninh): Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn

Cập nhật: 16/07/2019 10:23:10
Số lần đọc: 1231
Với mục tiêu từng bước đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Hải Hà đã và đang chú trọng các giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo trên cơ sở lợi thế của vùng miền, địa phương để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách tìm đến trải nghiệm.


Khách du lịch theo phà và xuồng cao tốc từ đất liền ra tham quan xã đảo Cái Chiên (Hải Hà). Ảnh: Hữu Việt

Từ năm 2018, một trong những định hướng phát triển du lịch của Hải Hà là tập trung khai thác những đặc thù về nông nghiệp của địa phương như: Du lịch sinh thái thôn kiểu mẫu, vườn mẫu. Các vườn mẫu được quy hoạch theo sơ đồ, đảm bảo về năng suất, chất lượng sản phẩm và mỹ quan vùng nông thôn, trở thành điểm đến lý tưởng của mọi du khách. Điển hình như tại thôn 4, xã Quảng Minh (Hải Hà), với những vườn mẫu nằm san sát nhau và con đường nội thôn rực rỡ sắc hoa chiều tím đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Các đoàn du khách đến để được đi dạo trên những tuyến đường hoa, thử làm công việc của nhà nông và thưởng thức những rau quả tươi, sạch... là những trải nghiệm về nếp sống trong lành, bình dị của vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn 4, xã Quảng Minh, chia sẻ: Khi chính quyền địa phương có hướng phát triển du lịch cộng đồng thì không chỉ gia đình tôi mà hầu như các hộ dân trong thôn rất đồng tình hưởng ứng với quyết tâm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Việc này cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới đời sống, sản xuất của chúng tôi, công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi vẫn cứ diễn ra như thường ngày. Chính sự chân thực đó lại là điều khiến cho những người sống ở vùng đô thị muốn được trải nghiệm. Ngoài ra, chúng tôi còn đón tiếp nhiều đoàn đến học tập, tham khảo kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu hiệu quả.

Lợi thế về cả phát triển loại hình du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch biên giới cửa khẩu và du lịch biển đảo được huyện Hải Hà quan tâm phát huy thời gian qua. Chủ trương của huyện là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Từ đó tạo ra được các sản phẩm du lịch và dịch vụ có sự khác biệt, hấp dẫn. Đã có những điểm đến trở thành “thương hiệu” của huyện vào mỗi mùa du lịch như: Đền Trần Hưng Đạo - chùa Hải Hà, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đảo Cái Chiên. Từ năm 2016, 3 điểm này được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch, nằm trong 2 tuyến du lịch trọng tâm của huyện.

6 tháng đầu năm 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện diễn ra sôi động. Toàn huyện đã đón trên 30.700 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này ước đạt 30,7 tỷ đồng, vượt 28% so với kế hoạch. Bên cạnh duy trì chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, huyện còn định hướng tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới: Làng văn hóa cộng đồng ở xã vùng cao Quảng Sơn, Quảng Đức; bảo tồn các di tích, di chỉ văn hóa, lịch sử của địa phương; bảo tồn 3 lễ hội truyền thống tại các đền Trần Hưng Đạo, đình Mi Sơn, đình Quảng Lĩnh; nâng cao chất lượng các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, mua sắm.

Huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thu hút 80.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 32 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 600 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, thu hút 160.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 96 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động trực tiếp.

Từ mục tiêu này, huyện Hải Hà sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, huy động được nguồn lực để cân đối sự phát triển giữa các vùng, miền trong huyện, tạo thành đòn bẩy vững chắc để ngành du lịch của Hải Hà phát triển bền vững trong tương lai./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục