Hoạt động của ngành

Hà Nội: Thúc đẩy du lịch khu vực phía nam Thủ đô

Cập nhật: 16/04/2024 10:12:55
Số lần đọc: 361
Khu vực phía nam Hà Nội gồm các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa… có nhiều làng nghề truyền thống và di tích nổi tiếng. Nhưng trừ Khu danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương) luôn đông khách, còn hầu hết các địa chỉ có tiềm năng du lịch đều đang “ngủ yên”. Với việc khai trương tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”, du lịch đến các huyện ở phía nam Thủ đô đang được đánh thức.


Sắc màu Làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Đúng vào dịp khai hội đền Nội, làng Bình Đà (ngày 4/3 âm lịch, tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức khai trương tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” nhằm khai thác, phát huy giá trị di tích, làng nghề của các huyện phía nam Thủ đô.

Trên hành trình khám phá con đường di sản, điểm dừng chân đầu tiên của du khách sẽ là đền Nội thuộc làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai). Đây là một trong những di tích thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Đáng chú ý, trong đền có bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động giang. Đây là bức phù điêu có giá trị nghệ thuật - tín ngưỡng cổ xưa độc đáo và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.

Một điểm đến không thể bỏ qua trên chuyến hành trình khám phá con đường di sản Nam Thăng Long là làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Với 6/6 thôn được công nhận là làng nghề, làng hương Quảng Phú Cầu nổi tiếng là nơi sản xuất lượng hương lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều khiến làng hương này thu hút đông đảo khách du lịch chính là nét đẹp làng nghề, cảnh phơi với những bó hương nhiều sắc mầu xòe như những bó hoa, tạo ra tiểu cảnh hấp dẫn.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh quảng bá, làng hương Quảng Phú Cầu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình là làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải… Đặc biệt nhất là du khách được tìm hiểu cách làm những sợi tơ từ cây sen, dệt thêu tơ sen và trải nghiệm quy trình làm các sản phẩm tơ sen độc đáo.

Tuyến du lịch Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm du lịch được Sở Du lịch, các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức chuẩn bị khá công phu. Các đơn vị đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia và triển khai các khâu hoàn thiện điểm đến từ năm 2023, trước khi bắt tay vào khai thác. Khu vực các huyện phía nam Hà Nội còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Huyện Thanh Oai có nhiều điểm đến hấp dẫn như: Làng Chuông (xã Phương Trung) nơi có nghề đan nón lá, làng Ước Lễ (xã Tân Ước) với nghề làm giò chả, làng nghề điêu khắc Võ Lăng (xã Dân Hòa)…

Về di tích, Thanh Oai còn có chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), đình - chùa - miếu và làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê), đình-chùa Chuông (xã Phương Trung)... Địa bàn huyện Ứng Hòa còn có làng làm đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ), nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm), khu du lịch tâm linh đền Đức Thánh Cả, khu ẩm thực Vân Đình… Huyện Mỹ Đức có nhiều cảnh quan nổi tiếng như: Đầm sen An Phú, hồ Tuy Lai, hồ Quan Sơn…

Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng nhìn chung, du lịch khu vực phía nam Thủ đô chưa phát triển. Ngoài điểm nhấn là Chùa Hương trong mùa lễ hội, các hoạt động du lịch khác chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Việc đưa vào khai thác tuyến du lịch Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội mở ra cơ hội mới để phát triển du lịch của khu vực. Song trước hết, cần bảo đảm các điều kiện khai thác tốt tuyến du lịch này.

Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận định: “Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” đi qua nhiều làng nghề với giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Du khách đến các điểm du lịch rất cần sự trải nghiệm và giá trị nằm ở sự trải nghiệm. Mỗi làng nghề cần tạo ra một không gian riêng biệt, như làng nghề Quảng Phú Cầu cần có một không gian để du khách được trải nghiệm làm nghệ nhân và chung quanh có dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tại huyện Mỹ Đức, để du khách có trải nghiệm hái lá dâu về cho tằm ăn, huyện cần quy hoạch bãi trồng dâu. Chúng ta rất cần một hợp tác xã làng nghề để cùng chung tay hỗ trợ nhau làm du lịch”.

Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết: “Trước đây, tuyến du lịch phía nam Hà Nội ít được quan tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức sẽ trở thành dấu ấn cho du lịch Thủ đô trong giai đoạn mới. Từ những điểm đến ban đầu như hiện nay, hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tính toán lựa chọn thêm các sản phẩm khác để có thể nhân rộng ra, khai thác các giá trị của địa phương, qua đó, quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh du lịch của cả vùng phát triển”.

Đây cũng là mong muốn của ngành du lịch Thủ đô trong đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch khu vực nam Hà Nội.

Bài và ảnh: Giang Nam

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 15/04/2024

Cùng chuyên mục