Non nước Việt Nam

Hà Nội: Đánh thức tiềm năng du lịch Quốc Oai

Cập nhật: 03/05/2024 10:07:57
Số lần đọc: 751
Huyện Quốc Oai có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, trong đó giá trị nhất là 2 di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đình So...

Một góc Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy. Ảnh: Internet

Huyện Quốc Oai là vùng đất cổ của xứ Đoài, có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, đa dạng làng nghề truyền thống và đậm đặc di tích lịch sử, nhất là có 2 di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, đình So… Tiềm năng lớn, nhưng đến nay chưa được địa phương khai thác hiệu quả. Do đó, rất cần “cú hích” đủ mạnh để đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, trên địa bàn Quốc Oai có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Trong đó, giá trị văn hóa độc đáo nhất là cụm di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn).

Chùa Thầy gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1117) - vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, với nhiều tên gọi, như: “Hương Hải Am”, “Bồ Đề Viện”, “Phật Tích”... Đây còn là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, gồm 3 cụm điểm: Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; quần thể di tích chùa Thầy và các di tích trên núi động Hoàng Xá…

Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước. Ảnh: Internet

Tiếp đến là Di tích quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” với những giá trị mỹ thuật độc đáo. Đặc biệt, đây là ngôi đình duy nhất được vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong “Vạn cổ anh linh”.

Chị Nguyễn Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm) đến thăm đình So chia sẻ, ngôi đình cổ còn giữ được vẹn nguyên những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc từ thế kỷ XVII; kiến trúc, nghệ thuật cổ kính chẳng khác gì một thắng tích cung điện nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, di tích này chưa được quan tâm phát triển thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, rất lãng phí.

Di tích quốc gia đặc biệt đình So ở xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) thưa vắng khách đến tham quan. Ảnh: Hoàng Sơn

Bên cạnh hai di tích quốc gia đặc biệt, trên địa bàn huyện Quốc Oai còn có tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, như biểu diễn cá heo, hải cẩu; chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh: “Tinh hoa Bắc Bộ”. Chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm nét dân gian truyền thống, trình diễn theo phong cách hiện đại, mang đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc về văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng.

Kiến trúc cổ kính của đình So được xây dựng từ thế kỷ XVII, được bảo tồn nguyên vẹn. Ảnh: Hoàng Sơn

Ngoài ra, Quốc Oai còn có nhiều tiềm năng để khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh; du lịch trải nghiệm tại khu vực Đông Xuân, Phú Mãn... Tại đây còn có các làng nghề nổi tiếng có thể tạo điểm trải nghiệm cho du khách, như làng nghề mộc Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ), làm miến dong làng So, xã Cộng Hòa…

Mặc dù có đầy đủ tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch, nhưng huyện Quốc Oai chưa xây dựng được các tour - tuyến và gắn kết các di tích lịch sử thành điểm đến hấp dẫn. Hiện tại, Quốc Oai mới thu hút được khách du lịch đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan, du lịch vẫn khiêm tốn, khoảng 300 nghìn người/năm...

Tăng cường quảng bá để hút khách

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, huyện Quốc Oai cần tạo ra “cú hích” để đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây. Huyện cần chủ động làm mới sản phẩm, đầu tư nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo, tu bổ di tích, xây dựng các tour - tuyến du lịch và tăng cường quảng bá trên các kênh thông tin và nền tảng xã hội…

Biểu diễn hoạt cảnh tinh hoa Bắc Bộ trong Khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Ảnh: Việt Anh

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ huyện Quốc Oai nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Do đó, định hướng của huyện là phát triển sản phẩm du lịch dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực và tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

Giai đoạn 2020-2025, huyện Quốc Oai đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch thu hút khách du lịch về địa phương. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; chủ động xây dựng bản đồ số du lịch cho du khách và người dân thông qua hệ thống website, app ứng dụng với các tiện ích; cung cấp đa dạng tính năng, thông tin du lịch của huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, cơ sở kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý nhà nước…

Đặc biệt, huyện cũng mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện vào xây dựng các sản phẩm du lịch, tour du lịch mới như du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch homestay để thu hút du khách đến với Quốc Oai.

“Với tiềm năng lớn và triển khai nhiều chính sách phát triển, chúng tôi tin rằng hoạt động du lịch của huyện sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Khi đó, lượng khách đến với Quốc Oai không chỉ dừng lại ở con số 300 nghìn người như hiện nay, mà tăng lên từ 1 đến 1,5 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn 2025-2030”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh.

Hoàng Văn

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 29/04/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT