Non nước Việt Nam

Giữ gìn các ngôi nhà cổ ở Ma Lé (Đồng Văn)

Cập nhật: 05/01/2019 15:23:41
Số lần đọc: 1147
Trong hành trình tái đánh giá lần 2 Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn của Ủy ban Unesco chọn thôn Ma Lé, xã Ma Lé (Đồng Văn) để thẩm định những ngôi nhà cổ. Điều này cho thấy sức hấp dẫn cũng như giá trị văn hoá trong sinh hoạt và kiến trúc nhà ở của người dân thôn Ma Lé với các chuyên gia Unesco và du khách quốc tế.


Một số nhà cổ ở thôn Ma Lé đang bị “xi - măng hóa”.

Thôn Ma Lé có 47 ngôi nhà, chủ yếu là đồng bào dân tộc Giấy sinh sống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 47 ngôi nhà thì có đến 40 ngôi nhà cổ. Theo gia phả để lại, hầu hết các ngôi nhà cổ đều được xây dựng từ hơn 100 năm trở lên, có nhà đến 200 năm. Các nhà đều xây dựng theo kiến trúc của dân tộc Giấy xuất xứ từ Trung Quốc cách đây hàng trăm năm và được xây dựng sát nhau tạo thành các dinh thự. Mái nhà được lợp ngói âm dương, nhà gồm 2 tầng, tầng 1 được bao bởi tường trình đất (theo kiến trúc của người Mông); cột, kèo thường được làm bằng gỗ Nghiến, tay kèo có đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo; đặc biệt là có hình khắc đầu đao bằng rồng, chân cột nhà được đặt trên các phiến đá xanh chạm hình quả thuốc phiện và các hình trong 12 con giáp.

Theo tìm hiểu, thôn Ma Lé trước kia là vùng đất giàu có, nơi đây nằm trên cung đường vận chuyển thuốc phiện từ Đồng Văn sang Trung Quốc thời Pháp đô hộ. Người dân thôn Ma Lé biết chữ Hoa, rất thông minh và có đầu óc kinh doanh,… chính vì vậy, vùng này trở nên giàu có, nhà cửa được xây dựng khang trang. Các ngôi nhà ở đây đều do chính người dân tộc Giấy xây dựng mà không phải thuê thợ từ vùng khác đến, như công trình Dinh thự Nhà Vương hay các khu nhà cổ khác trên Cao nguyên đá. Đến thôn Ma Lé lúc này, vẫn còn những dấu tích được người dân lưu giữ lại như: Gia phả, lò nung ngói âm dương, các hình thù được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh… Đây là bằng chứng hết sức quan trọng nói lên vùng đất này một thời giàu có và văn minh. Bên cạnh đó, người Giấy ở thôn Ma Lé còn biết canh tác trồng lúa nước và không ăn mèn mén; vì thế mà nơi đây không chỉ có những ngôi nhà cổ mà còn những thửa ruộng bậc thang rất đẹp được bà con khai phá nên.

Thấy được kiến trúc còn nguyên bản, cùng với nét văn hóa đặc sắc của người Giấy ở thôn Ma Lé; năm 2016, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đã mua lại 1 ngôi nhà cổ trong thôn để làm du lịch Homestayn và kết nối các tua, tuyến du lịch đến dừng chân, tham quan, khám phá. Để phát triển du lịch cộng đồng cũng như gìn giữ nét văn hóa kiến trúc nhà ở cho các hộ trong thôn, Công ty đã đầu tư cho 5 hộ trong thôn cùng làm du lịch; mỗi hộ được Công ty hỗ trợ 72 triệu đồng;  trong đó, 60 triệu làm công trình vệ sinh và 12 triệu trang bị các vật dụng chữa cháy. Để giữ gìn giá trị của những ngôi nhà cổ, trước khi đầu tư Công ty ký thỏa thuận với các gia đình với những điều khoản: Các gia đình không được tự ý sửa chữa, xây mới các hạng mục làm thay đổi kiến trúc nhà cổ; công trình nhà vệ sinh phải được xây theo mẫu bằng đá, không chát vôi cát bên ngoài, để kết cấu kiến trúc không bị phá vỡ… Từ khi bước vào làm du lịch cộng đồng, ý thức vệ sinh môi trường của các hộ dân được nâng lên, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy và giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước; thu nhập từ du lịch mang lại cho mỗi gia đình khoảng 15 triệu đồng/năm.

Hiệu quả làm du lịch cộng đồng mà Công ty Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn cùng các hộ dân mang lại đã thấy rõ; tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân trong thôn, ý thức vệ sinh môi trường còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung, chuồng trại chưa đưa ra xa khu vực nhà ở... Đặc biệt là chưa có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của các ngôi nhà cổ, hiện đang dần bị mai một, xuống cấp. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần bắt tay vào để gìn giữ những ngôi nhà cổ và nét văn hóa của người Giấy ở thôn Ma Lé./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT