Non nước Việt Nam

Bảo tồn văn hóa vùng biên trước nguy cơ mai một

Cập nhật: 04/01/2019 09:26:00
Số lần đọc: 948
Dân tộc nào cũng vậy, cũng có những nét văn hóa truyền thống của mình, giữ được văn hóa là giữ được một tộc người.


Người Tày với cây đàn Tính và những điệu hát Then.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, bởi văn hóa vừa là nền tảng văn hóa tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì bản sắc văn hóa của một số dân tộc, ở một số vùng, đang đứng trước nguy cơ mai một, cần những giải pháp bảo tồn, lưu giữ bài bản, căn cơ.

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới có sự ảnh hưởng rõ nét từ quá trình giao thoa văn hóa giữa hai bên biên giới. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, thì cũng có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp làm phai nhạt, thậm chí làm mất đi những nét văn hóa bản sắc truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Chị Hoàng Thị Ánh Tuyết, người Tày, thành viên Đoàn văn công tỉnh Cao Bằng, cho rằng dân tộc nào cũng vậy, cũng có những nét văn hóa truyền thống của mình, giữ được văn hóa là giữ được một tộc người. Bởi vậy, chị yêu quý những làn điệu Then quê mình và không những gìn giữ, chị còn quảng bá Then trong những đợt lưu diễn.

Tuy nhiên, chị Ánh Tuyết cho rằng, để khơi gợi ở thanh niên người dân tộc thiểu số niềm tự hào và đam mê với những môn nghệ thuật truyền thống như hát Then, rất cần tạo ra một môi trường văn hóa đặc trưng.

“Theo mình nghĩ thì ở quê mình, người dân tộc là chủ yếu, nên những phần dân tộc cơ bản, những nét văn hóa cơ bản thì tất nhiên phải giữ, không thể bỏ qua được vì nó cũng theo một phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo”, chị Ánh Tuyết chia sẻ.

Là một địa phương có đường biên giới sát với nước bạn Trung Quốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đang là địa điểm du lịch khá nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan. Khách du lịch phần lớn quan tâm đến bản sắc văn hóa, ngoài các sản vật, các món ăn, thì hát Then của đồng bào Tày - Nùng vùng biên giới này đang thể hiện rõ vai trò và hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch.

Ông Mông Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, cho biết, để bảo tồn hiệu quả những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật hát Then, quan trọng là phải phát huy được vai trò của người dân  - chủ thể của nghệ thuật hát Then.

Xác định bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời kỳ hội nhập, nên những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn những làn điệu Then cổ; tổ chức giao lưu nhằm giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc của nghệ thuật hát Then với du khách trong nước và quốc tế.

“Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với hội bảo tồn dân ca của tỉnh để tổ chức các hoạt động giao lưu, vừa sưu tầm, sáng tác truyền dạy, phát huy những giá trị của hát Then, cùng với đấy thì mở các lớp đàn tính Then vừa để bảo tồn, vừa hướng tới phát huy nó trong việc phục vụ khách du lịch. Về cơ chế thì chúng tôi thực hiện cơ chế xã hội hóa để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân giao lưu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết.

Bảo tồn hát Then là câu chuyện được nhiều người quan tâm, đặc biệt là chế độ đãi ngộ với chủ thể của hát Then. Nghệ nhân hát Then, đàn tính Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày ở Lạng Sơn, bày tỏ: “Tôi mong các cấp có những chính sách nào đó để cho những người nghệ nhân mà họ nắm giữ những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống có thể cởi mở hơn để họ đưa văn hóa đó để nhiều người được biết. Chế độ phong tặng nghệ nhân ưu tú, nhân dân, có những nghệ nhân họ âm thầm cống hiến, họ không thi thố nhưng bản thân họ là nguồn lưu trữ văn hóa dân tộc rất lớn, họ sử dụng vốn văn hóa của mình đi tuyên truyền trong các bản làng nhưng họ không được phong tặng danh hiệu gì hết”.

Nhưng có lẽ, điều đáng quan tâm hơn cả là trong sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, có rất nhiều luồng văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta, làm tăng nguy cơ đánh mất những bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, những nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với văn hóa các dân tộc thiểu số không còn nhiều. Vì vậy, rất cần các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững.

Bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phải đi liền với việc loại bỏ những tư tưởng, phong tục tập quán lạc hậu. Về lâu dài, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng, cho biết: Ngành văn hóa tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai những bước đi cần thiết để có thể bảo tồn một cách hiệu quả những giá trị của nghệ thuật hát Then.

“Chúng tôi phải tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của môn nghệ thuật Then. Hiện Hội dân ca tỉnh cũng rất tích cực trong việc truyền dạy và chúng tôi cũng cố gắng để trong những năm tới 100% các huyện của Cao Bằng sẽ thành lập các hội dân ca”, bà Vân cho biết.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT