Non nước Việt Nam

Giao lưu văn hoá Việt- Nhật: Khám phá một số nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản

Cập nhật: 14/10/2022 07:44:12
Số lần đọc: 769
Công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp tìm hiểu lịch sử và sự độc đáo của một số nhạc cụ truyền thống Nhật Bản thông qua buổi giao lưu văn hoá giữa ban nhạc Ryoma Quartet Nhật Bản và ban nhạc dân tộc Sức sống Mới của Việt Nam.  


Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, mới đây, công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp tìm hiểu lịch sử và sự độc đáo của một số nhạc cụ truyền thống Nhật Bản thông qua buổi giao lưu văn hoá giữa ban nhạc Ryoma Quartet Nhật Bản và ban nhạc dân tộc Sức sống Mới của Việt Nam. Bên cạnh một số nét tương đồng với nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, nhạc cụ truyền thống Nhật Bản được chế tác bằng những chất liệu độc đáo và có âm sắc, cách chơi rất riêng, thu hút sự quan tâm của nhiều công chúng.

Trong các loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản, đàn Shamisen là nổi tiếng nhất, được dùng như một nhạc cụ đệm trong nhiều thể loại bài hát dân ca truyền thống Nhật vì có thể tạo ra những âm sắc khác nhau. Loại đàn 3 dây này được chơi với một miếng gẩy đàn có kích thước to hơn các loại phím gảy thông thường, gọi là “Bachi”. Shamisen có chiều dài tương tự với đàn guitar nhưng cổ loại đàn này mỏng hơn và không có phím. Thân hình chữ nhật giống mặt trống của cây đàn được bọc da ở mặt trước và sau giúp khuếch đại âm thanh khi gẩy đàn. Chia sẻ về tính đa dạng của đàn Shamisen, nghệ sỹ Masakatsu thuộc ban nhạc Ryoma Quartet cho biết: “Đàn Shamisen có rất nhiều loại và tuỳ thuộc vào loại hình biểu diễn. Loại đàn Shamisen tôi đang sử dụng xuất phát từ tỉnh Aomori, ở Aomori có 1 câu chuyện về loại nhạc cụ này, đó là những người mù thường sử dụng đàn Shamisen để gảy đàn trước cửa nhà họ và nhận được đồ ăn thức uống trong ngày hôm đó".

Ban nhạc Ryoma Quartet đến từ Nhật Bản

Cùng với đàn Shamisen, sáo Nohkan và trống Kotsuzumi là những loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. Hai loại nhạc cụ này thường được kết hợp trong kịch Noh và kịch Kabuki. Trong khi sáo Nohkan có một số nét tương đồng với sáo Việt Nam thì trống Kotsuzumi là loại nhạc cụ khá đặc biệt, được điều chỉnh âm thanh bằng dây gai dầu buộc phần thân trống. Nghệ sỹ Jinko chia sẻ: “Đây là loại trống được dùng trong kịch Noh và trong kịch Kabuki .Với loại nhạc cụ này tôi có điều chỉnh âm thanh bằng cách điều chỉnh dây, khi tay trái tôi nắm dây thì tay phải tôi sẽ gõ, chỉ với hành động tay trái nắm chặt hay thả lỏng thì âm thanh phát ra cũng khác. Bên cạnh âm thanh phát ra từ trống thì giọng hô của nghệ sỹ cùng nhịp trống cũng rất quan trọng".

Phần giao lưu giữa ban nhạc tre nứa Sức Sống Mới và ban nhạc Ryoma Quartet (Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mặc áo dài trắng hướng dẫn nghệ sỹ Soi thổi sáo Việt Nam)

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh hướng dẫn nghệ sỹ Jin đánh đàn T'Rưng

Cùng tìm hiểu và sử dụng một số loại nhạc cụ truyền thống Nhật Bản, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, thuộc ban nhạc Sức sống Mới cho rằng nhạc cụ truyền thống của Nhật và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam rất gần nhau và có nhiều điểm chung: “Tôi tìm hiểu sáo Shinobue của Nhật, có rất nhiều yếu tố chung từ cách thổi, từ ngón bấm, có thể tay hơi khác nhưng ngón bấm rất giống nhau. Khi nghiên cứu đàn Shamisen thì lên dây hơi khác 1 chút,  tiếng phát ra hơi đanh một chút, vang hơn 1 chút nhưng rất gần với đàn Tam của mình và đàn Tính của mình, đương nhiên cách chơi của Nhật sẽ mạnh mẽ hơn, dày tiếng hơn. Việt Nam mình thì nghiêng về nhẹ nhàng. Bên cạnh đó là cái trống mà anh ấy dùng tay trái giữ, tay phải gõ, tay trái có thể điều khiển, bóp một tý thì tiếng cao lên, nhả ra thì tiếng thấp đi thì tiếng rất là sâu, nghe rất Nhật. Có thể thấy chúng ta có rất nhiều những tiếng nói chung”.

Trong phần giao lưu, tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã giới thiệu 10 loại sáo khác nhau của Việt Nam và có nhiều phần trình diễn đặc sắc. Ấn tượng với các loại sáo của Việt Nam, nghệ sỹ Ryoma, trưởng nhóm Ryoma Quartet cho biết: “Sau buổi giao lưu này, tôi cũng đã biết được nhạc cụ Việt Nam mình được làm từ vật liệu rất thô sơ, rất gần gũi với thiên nhiên, nhất là đối với những loại sáo, không chỉ có một loại và rất nhiều loại. Sở trường của tôi là violon nhưng tôi rất muốn được thử sức với những loại sáo của Việt Nam.”

Với công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, buổi giao lưu văn hoá Việt- Nhật đã mang đến nhiều kiến thức thú vị về lịch sử và cách sử dụng các loại nhạc cụ của Nhật Bản. Một số khán giả chia sẻ: “Bản thân em thấy đây là một buổi giao lưu rất có ý nghĩa. Bởi vì em cũng tiếp xúc khá nhiều với các nhạc cụ truyền thống Nhật Bản, và là người Việt Nam nhưng đôi khi mình không hiểu hết được các loại nhạc cụ này. Qua cơ hội này thì em học hỏi rất nhiều. 

“Mình ấn tượng nhất với anh chơi trống, mình chưa từng nghe đến loại trống này, ví dụ như khi siết tay vào thì sẽ ra tiếng khác. Ngoài ra có nhạc cụ là đàn Shamisen, trước giờ mình chỉ biết những đàn gảy bằng tay, hoặc như đàn ghita thì dùng gảy móng. Còn đàn Shamisen thì dùng gảy to, làm bằng mai rùa, tiếng đánh lên nghe cũng khác. Đấy là hai loại nhạc cụ mình ấn tượng nhất", một khán giả khác cho biết.

Mới đây, ban nhạc Ryoma Quartet cùng ban nhạc tre nứa Sức Sống Mới đã kết hợp biểu diễn tại chương trình hoà nhạc từ thiện tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Mỗi loại nhạc cụ cũng như nền văn hoá âm nhạc của mỗi nước đều có nét đặc trưng, độc đáo riêng, nhưng khi kết hợp với nhau đã tạo nên sức hút lớn, mang đến bữa tiệc âm nhạc hấp dẫn, đặc sắc cho công chúng thủ đô./.

Thủy Tiên

Nguồn: Báo Điện tử VOV - vov.vn - Đăng ngày 13/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT