Non nước Việt Nam

Gia Lai: Chiêm ngưỡng hòn đá chồng ở Chư Don

Cập nhật: 02/03/2022 05:39:38
Số lần đọc: 851
Thời gian qua, thắng cảnh hòn đá chồng ở làng Plei Thơ Ga B (xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) thu hút khá đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Đứng ngắm đá tảng xếp chồng lên nhau với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí và lắng nghe câu chuyện tình yêu của vợ chồng người Jrai là một trải nghiệm thú vị với du khách.  


Theo chân Bí thư Đoàn xã Chư Don Lữ Quốc Việt, chúng tôi chinh phục thắng cảnh hòn đá chồng ở một ngọn đồi nằm cách trụ sở UBND xã Chư Don chừng 1,5 km. Hơn 1 km đầu, đường dễ đi vì đã đổ nhựa phẳng phiu nhưng đoạn sau thì chi chít đá và ngược dốc. Sau chừng 30 phút, chúng tôi đến chân ngọn đồi cao, tiếp tục đi bộ chừng 100 m theo con đường lởm chởm đá và vô vàn cây rừng tầm thấp thì lên đỉnh đồi.

Đó là một bãi đất tương đối bằng phẳng với khá nhiều đá tảng. Đặc biệt, ở trung tâm khoảng đất có 1 quần thể đá với nhiều tảng xếp chồng lên nhau tạo thành 2 hòn đá có chiều cao khoảng 5 m, tạo cảm giác chênh vênh. Điểm đặc biệt là phần chân của 2 tảng đá chồng lên nhau có đường kính nhỏ nhưng tảng đá ở trên có đường kính lớn, tạo hình như cây nấm hoặc cái ô. Dùng thiết bị flycam chụp hình từ trên xuống, 2 tảng đá tựa 2 chiếc bàn, hướng mặt về dãy núi Chư Don và cánh đồng làng Plei Thơ Ga B.

 Thắng cảnh hòn đá chồng thu hút du khách thập phương về tham quan. Ảnh: Thiên Di

Ông Rmah Rôi (làng Plei Thơ Ga A) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện truyền miệng về sự hình thành 2 tảng đá chồng này. Tương truyền, thời xa xưa, ở làng Plei Thơ Ga (sau này chia tách thành A, B), có vợ chồng người Jrai cùng tên Dong thương yêu nhau hết mực. Họ bỏ qua mọi lời dèm pha của dân làng, gia đình về sự chênh lệch giàu nghèo giữa nhà trai và nhà gái để nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống ngày một khấm khá. Tuy nhiên, vì một hiểu nhầm nhỏ trong cuộc sống gia đình, ông Dong bỏ nhà ra đi về phía rừng già. Khi đã kiệt sức, ông tựa người vào một cái cây nghỉ ngơi rồi khóc thương cho mình vì bị vợ nghi ngờ. Sau khi ông Dong chết, hóa thân thành 1 tảng đá hướng mặt về làng Plei Thơ Ga. Khi biết được lỗi lầm mình gây ra khiến người chồng bỏ đi, bà Dong vội đi tìm chồng. Khi đến tảng đá người chồng hóa thân, bà mệt quá nên thiếp đi. Trong giấc mơ thấy có người báo mộng tảng đá là do chồng hóa thân, bà Dong ân hận, gào khóc mấy ngày đêm rồi chết bên cạnh người chồng và hóa đá.

“Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe người già nói là ở đó rất linh thiêng, mọi người không được xâm hại. Ngày xưa, trai gái trong làng cưới nhau đều được gia đình dẫn ra núi làm lễ để mong chứng dám, giúp xóa bỏ những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Cuộc sống sau hôn nhân, nếu có uất ức vì bị hiềm nghi, nhiều người cũng lên trên núi này cầu khẩn ông bà Dong ban phép, hòa giải giúp. Các đôi trai gái yêu nhau cũng thường đưa nhau lên đó hẹn thề. Ngoài chuyện tình yêu của vợ chồng ông Dong, bà con dân làng cũng truyền nhau rằng, đây còn là nơi người anh hùng Gduong Meng nghỉ ngơi sau một lần đánh giặc xâm chiếm đất của người dân tộc Jrai. Vì thế, với người dân bản địa, nơi đây là vùng đất linh thiêng, không được xâm hại đến cành cây ngọn cỏ. Cho nên đến bây giờ cũng vậy, bà con không ai canh tác, trồng trọt trên đồi”-già Rôi nói.

Từ trên cao nhìn xuống, 2 tảng đá tựa như 2 chiếc bàn. Ảnh: Thiên Di

Cuối tháng 2, đứng ở ngọn đồi hòn đá chồng sẽ cảm nhận được không khí của mùa khô Tây Nguyên. Đây đang là một địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chụp hình lưu niệm. Anh Lữ Quốc Việt chia sẻ: “Mấy năm gần đây, du khách đến tham quan hòn đá chồng khá đông. Họ đến để tận hưởng không khí hoang sơ, ngắm nhìn những phiến đá xếp chồng lên nhau độc đáo. Chúng tôi cũng thường quảng bá trên các kênh thông tin, tuyên truyền của Đoàn để mọi người biết đến nơi này và các cảnh đẹp khác của Chư Don nhiều hơn”.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Chư Don Đặng Lê Minh cho biết: Khu vực đồi hòn đá chồng là một trong những thắng cảnh đẹp ở xã. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan hòn đá chồng, thác Ia Nhí, suối Ia Ngăn và hồ thủy lợi Plei Thơ Ga rất đông. Tính riêng dịp Tết Nhâm Dần 2022, có hơn 1.000 lượt khách tham quan, chủ yếu là khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm; địa phương chưa có nhiều hoạt động phụ trợ để giúp người dân hưởng lợi từ du lịch. Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch ở địa phương và cũng đã có một số đơn vị về khảo sát thực tế để xây dựng hồ sơ cấp phép đầu tư.

Thiên Di

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT