Non nước Việt Nam

Đưa di sản vào cuộc sống đương đại

Cập nhật: 18/10/2022 08:30:47
Số lần đọc: 580
Nói về di sản, người ta hay nhắc đến việc ngược dòng về quá khứ. Nhưng điều đó là chưa đủ. Mỹ thuật thời Lý vốn được xem là đỉnh cao của mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, với nhiều kiến trúc hùng tráng và tinh mỹ. Song, lớp bụi thời gian khiến những nét đẹp ấy chìm dần vào quên lãng. Vậy nhưng, có những người đang ngày đêm miệt mài tìm đường để đưa những nét đẹp ấy trở về cuộc sống đương đại, thông qua ứng dụng công nghệ.


“Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” do nhóm Sen Heritage thực hiện. (Ảnh: Dương Tuấn)

Nhóm “Huyền tinh tác đấu” vừa mới công bố bức tranh 3D phỏng dựng thiết kế kiến trúc chùa Dạm (tức Đại Lãm Thần Quang tự, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ngay lập tức, bức tranh 3D chùa Dạm được chia sẻ lên nhiều diễn đàn về văn hóa truyền thống và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Chùa Dạm là một công trình lớn của thời Lý, do Linh nhân Hoàng thái hậu (tức Ỷ Lan) trực tiếp cho xây dựng.

Qua nghìn năm lịch sử, chùa Dạm đã trở thành phế tích. Sau nhiều lần khai quật khảo cổ, các nhà khoa học mới xác định được mặt bằng của kiến trúc (kích thước khoảng 70m x 120m, gồm bốn cấp nền được xây dựng dọc theo triền núi), một số di vật kiến trúc như gạch, ngói, đá tảng kê, cột đá... Dấu tích kiến trúc nổi bật nhất còn lại là cột đá cỡ lớn chạm rồng.

Vật liệu gỗ có vai trò hết sức quan trọng trong kiến trúc Việt, nhất là hệ thống cột và bệ đỡ cho bộ mái. Đến nay, cấu kiện gỗ trong kiến trúc thời Lý hầu như đã bị phá hủy. Vì thế, bản phỏng dựng kiến trúc chùa Dạm của Huyền tinh tác đấu được coi là bất ngờ lớn, và sẽ còn gây ra không ít tranh luận. Song, không thể phủ nhận, lần đầu công chúng được nhìn thấy không gian cực kỳ quy mô của đại danh lam này, với các hạng mục như: Tam quan, dãy giải vũ, tòa chính điện, các tòa tháp, lầu chuông, nhà bia...

Thậm chí, các chi tiết như mái ngói, hệ đỡ mái, các trang trí trên nóc kiến trúc… cũng được thể hiện một cách chi tiết. Sau bản phỏng dựng tổng thể, nhóm tiếp tục công bố những bản phỏng dựng và cơ sở khoa học về những hạng mục kiến trúc cụ thể của ngôi chùa.

Hạng mục được quan tâm nhất tại chùa Dạm là cây cột đá chạm rồng thời Lý. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng đó là một linga (sinh thực khí nam), hoặc một cột trụ của kiến trúc nằm trên đó (giống Liên hoa đài của chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột). Nhóm Huyền tinh tác đấu nghiêng về giả thuyết thứ hai - giả thuyết chiếm ưu thế sau những phát hiện khảo cổ gần đây.

Nguyễn Huy Hoàng, thành viên của nhóm cho biết: “Nhiều văn bia thời Lý ghi lại rằng, các ngôi chùa xây dựng theo mô hình lầu chuông-nhà bia nằm đối xứng quanh trục chính của chùa, vị trí về phía trước của kiến trúc chính điện. Với chùa Dạm, ở khu vực có cột đá, đối xứng qua trục chính, là phần bệ hình vuông. Kết hợp với một số dấu tích khảo cổ, hoàn toàn có thể đưa ra giả thuyết đây là mô hình lầu chuông-nhà bia như mô tả trong minh văn thời Lý”.

Để hoàn thành được bản vẽ 3D chùa Dạm, ngoài phần kiến thức thu thập, tổng hợp, kết nối thông tin trong nhiều năm, chỉ riêng phần vẽ, dựng 3D, nhóm đã mất hơn hai tháng miệt mài làm việc.

Nhóm Huyền tinh tác đấu ra đời chưa lâu, nhưng những công bố của nhóm về mỹ thuật Việt thời Lý, Trần là kết quả nghiên cứu hàng chục năm trời của một nhóm bạn trẻ, gồm Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Minh Hiệu và Nguyễn Duy. Tất cả là “dân công nghệ”, làm việc trong lĩnh vực đồ họa và thiết kế game. Cả ba đều là thế hệ 9x. Cái tên Huyền tinh tác đấu được lấy từ một câu trong bài văn bia chùa Minh Tịnh thời Lý: “Huyền tinh tác đấu, yển nguyệt vi lương” (nghĩa là: Treo sao làm đấu, uốn trăng làm rường).

Câu văn mô tả ước lệ đầy lãng mạn về việc xây dựng chùa chiền xưa. Khi tìm về quá khứ, những thành viên trong nhóm đều nhận thấy, có nhiều nét đẹp kiến trúc, điêu khắc của cha ông, nhất là thời Lý, Trần rất xa lạ. Nhiều nghiên cứu, phát hiện được công bố trong giới khoa học, nhưng cộng đồng hầu như không biết đến.

Từ thế mạnh công nghệ trong nghề nghiệp của mình, nhóm đã tận dụng để phục dựng, phỏng dựng và phổ biến đến mọi người, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. “Có những kiến thức về kiến trúc cổ truyền đã được cộng đồng khoa học thừa nhận, thí dụ như cách sử dụng “đấu củng” trong hệ đỡ mái thời Lý, Trần, nhưng đa số cộng đồng hiện nay vẫn cho rằng đó là “ngoại lai”.

Nhiều người vẫn mặc định kiến trúc truyền thống là kẻ chuyền, kẻ bẩy như các ngôi đình, ngôi chùa thường thấy. Huyền tinh tác đấu mong muốn phổ biến những giá trị xưa, để mọi người hiểu rằng, kiến trúc truyền thống của chúng ta đa dạng. Sự đa dạng chính là biểu hiện của sự giàu có. Nhóm sẽ không chỉ dừng lại ở phổ biến, lan tỏa nét đẹp kiến trúc qua không gian mạng, nhóm sẽ đưa di sản “trở lại” ra mắt sách về kiến trúc truyền thống, tạo những vật phẩm lưu niệm trên cơ sở phỏng dựng, phục dựng các kiến trúc, các hiện vật điêu khắc”, Nguyễn Duy chia sẻ.

Trong hành trình nghiên cứu, nhóm Huyền tinh tác đấu nhận được hỗ trợ từ các thành viên của nhóm Sen Heritage (Di sản Sen). Đây chính là một nhóm các nhà nghiên cứu gồm: Phó Giáo sư Trần Trọng Dương, kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng. Nếu việc đưa di sản từ quá khứ trở về cuộc sống của Huyền tinh tác đấu mới diễn ra trong không gian mạng, thì với Sen Heritage, điều đó đã diễn ra trên thực tế.

Cách đây hai năm, Sen Heritage đã khiến cộng đồng “quên lối về” khi tái tạo chùa Diên Hựu trong không gian thực tế ảo. Người tham gia có thể “đi dạo” trong ngôi chùa Diên Hựu thời Lý. Sau thành công này, nhóm tiếp tục dự án phục dựng “Đài đèn và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý”.

Do những công trình đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm, các nhà nghiên cứu đã phải vượt qua nhiều thử thách khi chắp nối những “mảnh vỡ” từ quá khứ. Kết hợp những phần còn lại của trụ đá thời Lý tìm được tại Công viên Bách Thảo và trụ đá chùa Phật Tích, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa hai hiện vật. Trụ đá Bách Thảo hiện vẫn còn phần tạc cửu sơn bát hải (biểu tượng của tiểu vũ trụ trong Phật giáo), hai con rồng thời Lý cuốn quanh (đã mất phần đầu và phần tay).

Trong khi đó, trụ đá Phật Tích (tại Bắc Ninh, hiện chỉ còn ảnh chụp) lại bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên. Tuy các hiện vật này không nằm trên một di tích nhưng có những đặc điểm chung là cùng một chất liệu, đều là điêu khắc dạng trụ và thống nhất về mô típ hoa văn tạo hình.

Ngoài ra, có một điểm rất đáng chú ý là trên trụ đá Bách Thảo còn có “ngõng” (một chi tiết để lắp ghép các bộ phận rời với nhau). Các chuyên gia cho rằng các hiện vật này có thể là các mảnh rời của một hiện vật hoàn chỉnh. Khi “bù trừ” giữa hai hiện vật quan trọng này, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế đã có một trụ đá tương đối hoàn chỉnh.

Các chuyên gia của Sen Heritage đưa ra hai giả thuyết: Trên trụ đá, có thể là một đèn đá, nhưng cũng có thể là tượng Thích Ca sơ sinh được sử dụng cho nghi lễ tắm Phật. Từ bản phỏng dựng trong không gian ảo, nhóm nghiên cứu đã đưa đài đèn, tượng Thích Ca sơ sinh bước ra khỏi “thế giới ảo”, bằng các mẫu mô hình thật, với các kích thước, chất liệu khác nhau, từ chất liệu đồng, đá cho đến composite.

Có những di sản thuộc về quá khứ xa xăm, đã bị lớp bụi thời gian che phủ khiến chúng trở nên xa lạ. Những nghiên cứu khoa học thường ở ngoài “tầm với” của cộng đồng. Nhưng nhờ những con người tâm huyết, nhiều di sản đang dần trở lại cuộc sống.

Nhóm Huyền tinh tác đấu kỳ vọng rằng, từ việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về di sản, khi xây dựng những ngôi chùa mới, những người xây dựng có thể lựa chọn kiến trúc, trang trí mỹ thuật thời Lý, hoặc mang âm hưởng mỹ thuật thời đại này - một trong những đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam. Điều này càng quan trọng hơn với phục dựng các ngôi chùa thời Lý. Với những người trẻ như thế, họ còn nhiều thời gian để thực hiện.

Phỏng dựng chùa Dạm bằng hình ảnh 3D của nhóm Huyền tinh tác đấu.

Giang Nam

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 16/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT