Hoạt động của ngành

Du lịch Hậu Giang tiếp tục hành trình vượt khó

Cập nhật: 19/02/2021 08:51:34
Số lần đọc: 860
Năm nay tiếp tục được dự đoán là năm khó khăn với ngành “công nghiệp không khói”. Riêng với Hậu Giang, một tỉnh du lịch chưa phát triển thì càng khó khăn hơn, nhưng tỉnh đang quyết tâm vực dậy bằng nhiều cách khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Sở Văn hóa ,Thể thao và Du lịch khảo sát một điểm du lịch mới phát triển - Bamboo Garden Tư Sang Hậu Giang, tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Nền tảng về cơ chế

Cũng xin được nhắc lại là trong những năm gần đây, du lịch Hậu Giang có nhiều khởi sắc, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bức tranh du lịch Hậu Giang dần định hình mang nét riêng. Hậu Giang đã từng bước xây dựng sản phẩm du lịch phát huy thế mạnh của địa phương, như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh…, thu hút lượng khách đến đây trên dưới 450.000 lượt khách/năm.

Cùng với đó, Hậu Giang đã xây dựng hàng loạt chính sách, đề án liên quan đến phát triển du lịch như chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2024, Đề án phát triển du lịch Hậu Giang, Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, Đề án du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng giai đoạn 2021-2025… và sắp tới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh. Đây là cách để phát huy thế mạnh du lịch Hậu Giang, từng bước xây dựng sản phẩm đặc thù riêng biệt. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Để xây dựng đề án này, chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế khu vực ĐBSCL, các tỉnh, thành phía Bắc để học tập kinh nghiệm; khảo sát tất cả các điểm có thể làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, xây dựng thí điểm các sản phẩm du lịch ở vùng khóm Cầu Đúc; tổ chức tập huấn cho nông dân những kiến thức về du lịch cộng đồng; tổ chức tọa đàm, hội thảo”.

Tất cả những điều này đã tác động tích cực đến suy nghĩ của người dân, giúp họ hiểu về du lịch, biết cách làm du lịch. Chị Trang Kiều Diễm, chủ một điểm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhà trồng khóm lâu đời, tôi rất muốn giới thiệu sản vật này đến với mọi người. Thế nhưng làm thế nào để thu hút khách thì tôi không biết. Được tỉnh hỗ trợ, trang bị kiến thức, tôi dần nhận ra cách làm du lịch cộng đồng và bắt đầu từng bước làm. Tôi còn nghĩ ra các món ăn từ khóm để giới thiệu với mọi người”. Đây là một trong những điểm du lịch cộng đồng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện để gia đình xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng và đang dần thu hút người đến tham quan, thưởng thức những món ăn từ khóm. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu để hỗ trợ một số điểm khác trên địa bàn tỉnh.

Đường vào vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, rất ấn tượng.

Địa phương chủ động làm du lịch

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức cho đoàn chuyên gia khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, điểm nhấn là kênh xáng Xà No và các làng nghề ven sông. Trước Tết Nguyên đán, đã tổ chức khảo sát các điểm du lịch mới manh nha trên địa bàn như khu du lịch Miệt Ngàn ở huyện Châu Thành A, homestay Ánh Dương, Bamboo Garden (vườn tre) ở huyện Phụng Hiệp… Cùng với sự quan tâm và đầu tư của tỉnh, các huyện, thị, thành phố đã bước đầu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng đề án phát triển du lịch của địa phương mình, bám sát đề án của tỉnh, cũng dần đã bước đầu hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc thù, như chợ nổi Ngã Bảy, điểm đến cây di sản lộc vừng, du lịch trên kênh xáng Xà No…, từng bước tạo nên sự thống nhất đồng bộ trong phát triển du lịch.

Hậu Giang có nhiều động thái tích cực xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào du lịch bằng việc tham gia các kỳ hội chợ về du lịch khu vực và trong nước. Ông Lê Minh Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, chia sẻ: “Mỗi lần đi tham dự, chúng tôi cố gắng hết sức có thể để giới thiệu về Hậu Giang, từ hình ảnh, sản vật đến các điểm đang kêu gọi đầu tư cùng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này của tỉnh. Qua đó, chúng tôi cũng học tập được kinh nghiệm từ các tỉnh, doanh nghiệp du lịch trong cách quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, để đề xuất một cách phù hợp”.

Hậu Giang còn tham gia ký kết liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và Cụm kiên kết hợp tác phát tiển du lịch phía Tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đã triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác phát triển, xây dựng sản phẩm, kêu gọi đầu tư vào du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch vùng… Năm nay, Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục khảo sát 2 tua du lịch, tổ chức tọa đàm, hội nghị, diễn đàn về liên kết phát triển, xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch… Đây tiếp tục là cơ hội để Hậu Giang giới thiệu tiềm năng, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, khác lạ.

Năm nay, dự kiến Hậu Giang sẽ tổ chức Tuần văn hóa - thể thao và du lịch, vào khoảng giữa năm. Cùng với đó là tham gia các sự kiện quảng bá du lịch: Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2021, Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Năm Du lịch Quốc gia 2021; tổ chức khảo sát, tham quan các mô hình du lịch tiêu biểu trong nước và tổ chức cho các đoàn famtrip, fresstrip đến trải nghiệm tại Hậu Giang…

VĨNH TRÀ

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục