Hoạt động của ngành

Du lịch, dịch vụ bền vững - đột phá trong phát triển của Cao Bằng

Cập nhật: 29/10/2020 08:15:58
Số lần đọc: 791
Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đã được tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Lượng khách, doanh thu và tăng trưởng du lịch có sự phát triển vượt bậc.

Phát triển du lịch, dịch vụ bền vững được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định là một trong 3 đột phá của tỉnh (cùng với: phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu).

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng lộ trình phù hợp, với điểm nhấn quan trọng là Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, thay đổi cơ bản diện mạo du lịch Cao Bằng, với nhiều dấu ấn nhiệm kỳ được coi là có bước đột phá lớn, mang tính chiến lược lâu dài.

 Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch

Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch đã và đang được đầu tư theo hướng khang trang, đồng bộ, tạo thêm nhiều điểm nhấn cho du lịch Cao Bằng.

Tỉnh đã đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng 06 dự án tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, với tổng mức đầu tư các dự án gần 80 tỷ đồng, gồm: Nhà trưng bày và làm việc của Khu di tích lịch sử Pác Bó; cải tạo, nâng cấp tuyến đường đi bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Pác Bó từ làng Hòa Mục đến chân dốc Kéo Già; cải tạo nâng cấp mặt đường nội vùng và đoạn từ làng Bó Bẩm đến bờ suối ngã ba lán Khuổi Nặm; sắp xếp lại các ki- ốt bán hàng ở khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm; Dự án đầu tư du lịch về nguồn lịch sử và sinh thái tại Pác Bó; Dự án phục dựng nhà ông Lý Quốc Súng và thiết kế phục dựng lán Khuổi Nặm.

Thác Bản Giốc. (Ảnh: caobangtourism.vn)

Tại khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào khu du lịch động Ngườm Ngao với tổng mức đầu tư dự án 41,501 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc (do Tổng Công ty du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư) cũng đang được triển khai với nhiều hạng mục đồng bộ.

Dự án đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch khu Phia Oắc - Phia Đén, hạng mục cải tạo, nâng cấp đường từ tỉnh lộ 212 lên đỉnh Phia Oắc cũng đã được hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, góp phần thu hút đông du khách đến với khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén.

Đối với khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Dự án cải tạo, sửa chữa đường tỉnh lộ 202, đoạn từ QL34 vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo.

Riêng tại thành phố Cao Bằng, cơ sở hạ tầng du lịch cũng được chú trọng đầu tư với nhiều điểm nhấn. Trong đó, Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ tại phố Kim Đồng được triển khai có hiệu quả. Tuyến phố đi bộ Kim Đồng trở thành điểm đến yêu thích, được nhân dân và du khách đón nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, TP cũng đang triển khai đề án bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch lịch sử - tâm linh tại thành phố Cao Bằng.

 Nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch

Các hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch được tỉnh Cao Bằng thực hiện thông qua lồng ghép với việc tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ đón nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; đăng cai tổ chức Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc".

Một số hoạt động lần đầu tiên được tổ chức đã tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa như: Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc; Cuộc thi “Người đẹp Du lịch Non nước Cao Bằng”, thi chạy “Chinh phục đỉnh Phja Oắc” lần thứ I… Phối hợp với UNESCO tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về "Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO" tỉnh Cao Bằng. Xây dựng phim tài liệu về du lịch Cao Bằng, quảng bá hình ảnh Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá du lịch, Công viên địa chất bằng nhiều thứ tiếng. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình, phóng sự giới thiệu về văn hóa, du lịch Cao Bằng trong nhiều chuyên mục. Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên đăng tin, bài, ảnh clip tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội, các sản phẩm du lịch, tiềm năng du lịch của tỉnh.

Non nước Cao Bằng. (Ảnh:caobangtourism.vn) 

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao bằng đã phối hợp xây dựng, đưa vào hoạt động Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn. Cổng du lịch thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước và quốc tế dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin các khu, điểm du lịch, các di tích, danh thắng, các sản phẩm, dịch vụ tiện ích khi đến với Cao Bằng; đồng thời tăng cường quảng bá du lịch Cao Bằng và hình ảnh các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học và các tuyến du lịch trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch được tăng cường. Tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch trọng điểm của Cao Bằng. Chỉ đạo ký kết hợp tác với các Công viên địa chất trong mạng lưới: Haute - Provonce, Pháp và Cao nguyên đá Đồng văn, Hà Giang. Hoạt động hợp tác du lịch với Quảng Tây, Trung Quốc được chú trọng, các đơn vị lữ hành vẫn duy trì trao đổi khách theo các chương trình đã ký kết.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường đã góp phần nâng tổng số lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt trên 5 triệu lượt người trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng 98% so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 19%/năm. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 420 nghìn lượt người, tăng 213% so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 42%/năm; doanh thu du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 192% so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 36%/năm; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%/năm.

Với những tiềm năng và thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục định hướng tập trung đột phá phát triển thế mạnh về dịch vụ du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là du lịch thương hiệu miền núi cho Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2026, tỷ trọng du lịch chiếm 5 - 6% GDP toàn tỉnh; Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia. Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ góp phần tháo nút thắt quan trọng cho tương lai của du lịch tỉnh Cao Bằng, tiếp tục đưa ngành du lịch Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

PV
Nguồn: Báo ĐCSVN

Cùng chuyên mục