Hoạt động của ngành

Du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa): Khẳng định thương hiệu, nâng tầm điểm đến

Cập nhật: 13/07/2020 09:56:37
Số lần đọc: 1084
Trong bức tranh du lịch muôn màu của xứ Thanh, thì biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) sáng lên một gam màu năng động, mới mẻ với hạ tầng du lịch sang trọng nằm bên bờ biển dài 12km với những nét văn hóa độc đáo, tình người thân thiện, mến khách. Vùng biển với sức trẻ này đã và đang vươn lên khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch biển, xứng với kỳ vọng lớn của tỉnh và huyện.

 


Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa). Ảnh: Việt Hương

Những tín hiệu khởi sắc

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, biển Hải Tiến đã thực sự có những bước tiến dài, khai thác hiệu quả các thế mạnh từ tiềm năng biển. Thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển du lịch – dịch vụ, giai đoạn 2015-2020, huyện Hoằng Hóa đã kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ nhiệm kỳ trước, tập trung xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở lưu trú, vận tải... góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của huyện nhà. Khu Du lịch (KDL) biển Hải Tiến đã thu hút tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Kết quả nổi bật, dễ nhận thấy nhất đó là sự phát triển đột biến về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hệ thống nhà hàng, khách sạn đầy đủ từ bình dân đến cao cấp, đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi và ẩm thực của khách du lịch đến với biển Hải Tiến. Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, KDL biển Hải Tiến đã có trên 66 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với tổng số khoảng 6.000 phòng nghỉ, trong đó khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 - 3 sao có 21 cơ sở (2.500 phòng nghỉ).

Trong bức tranh khởi sắc của du lịch biển Hải Tiến, không thể không nhắc tới sức bật từ hệ thống giao thông thông suốt của huyện Hoằng Hóa. Nhiều công trình giao thông trọng điểm của huyện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và biển Hải Tiến nói riêng đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Đó là tuyến đường rộng 22m, dài 3,5km nối liền với các xã trong KDL được đưa vào sử dụng từ năm 2018; tuyến đường từ Goòng – Hải Tiến có chiều dài 7,8km được nâng cấp, mở rộng với 4 làn xe cơ giới. Khu vực quảng trường trung tâm KDL được quy hoạch, xây dựng, trang trí đẹp mắt, trở thành điểm nhấn quan trọng tô điểm cho Hải Tiến ngày càng hiện đại, văn minh.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan KDL, huyện còn chú trọng chỉ đạo xây dựng, khôi phục các di tích văn hóa, lịch sử nhằm hình thành các tour du lịch; kết nối du lịch biển với các KDL tâm linh trên địa bàn huyện như: Khu văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường (xã Hoằng Trường), đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến), bảng Môn Đình, nhà thờ Nguyễn Quỳnh (xã Hoằng Lộc), đền Phủ Vàng (xã Hoằng Xuân); đồng thời, tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như: Đền thờ Thái Bảo Thọ Quận công Cao Tư, đền thờ Tướng quân Cao Bá Điển, đền thờ Lê Phụng Hiểu...

Sự khác biệt của biển Hải Tiến thời gian gần đây, đó là huyện Hoằng Hóa và các nhà đầu tư đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, sản phẩm du lịch được coi là yếu tố cốt lõi, là lý do, mục đích hay là điểm khó quên của mỗi chuyến hành trình, tạo nên sức hút của điểm đến. Làm nên “hiện tượng” du lịch ở Hải Tiến đó là khi cầu cảng được chính thức khánh thành đưa vào hoạt động, trở thành điểm “check in” lý tưởng không ngừng hút khách, nhất là giới trẻ đến tham quan, chụp ảnh và quảng bá trên mạng xã hội. Với thiết kế độc đáo mang hơi thở châu Âu cùng cách phối màu nổi bật, khu cầu cảng trở thành điểm nhấn ấn tượng giữa khu vực trung tâm bãi biển, là “bến thuyền” phục vụ tuyến du lịch đường thủy bằng cano cao tốc đưa khách du lịch trải nghiệm các tour du lịch, ghé thăm các địa danh nổi tiếng. Năm 2019, huyện Hoằng Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình du lịch cộng đồng homestay tại các làng biển của xã Hoằng Trường với sự tham gia của 10 hộ gia đình. Với giá hợp lý, tại mô hình này, du khách có cơ hội trải nghiệm những khoảnh khắc làm ngư dân, khám phá các hoạt động thú vị của đời sống vùng biển. Mô hình đã thu hút hàng trăm lượt khách đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm, đặc biệt là các đội bay dù lượn tại khu vực đỉnh núi Linh Trường. Các khu vui chơi, giải trí cảm giác mạnh tại KDL biển Hải Tiến cũng được đầu tư với kinh phí lớn. Các hoạt động dịch vụ phong phú như: bể tắm nước biển nóng, bể bơi, buffet bãi biển; các khu nhà chòi, quầy bar, cafe, karaoke, massage; các hoạt động thể thao; khu vui chơi giải trí cho trẻ em, dịch vụ xe điện, dịch vụ cung cấp hải sản tươi sống... cũng từ đó mà phát triển rầm rộ, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách đến tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng tại Hải Tiến.

Du khách đến với Hải Tiến không chỉ được đắm mình trong “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, trải nghiệm không gian của những làng chài nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền với những ngư dân chân chất, hiền lành, thân thiện và mến khách mà còn có cơ hội khám phá một miền di sản, miền văn hóa lịch sử của mảnh đất khoa bảng của xứ Thanh địa linh, nhân kiệt, vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với 16 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh.

Sức hấp dẫn của biển Hải Tiến được minh chứng bằng số lượng khách du lịch đến đây ngày càng tăng. Nếu như năm 2015, số lượng khách đến tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng đạt 250.000 lượt thì năm 2019, con số này đã chạm mốc 1,5 triệu lượt (tăng gấp 6 lần so với năm 2015). Doanh thu từ du lịch của huyện giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7.805 tỷ đồng, vượt 77,5% so với kế hoạch. Nhân lực phục vụ tại các công ty trong KDL sinh thái biển Hải Tiến hiện nay có khoảng trên 4.500 nhân viên, trong đó có trên 40% đã qua đào tạo từ cao đẳng trở lên, 35% đã được đào tạo nghiệp vụ các lớp ngắn hạn từ 3 - 6 tháng; tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ, văn hóa du lịch ngày càng được nâng cao hơn. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được tăng cường.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch chỉ ước đạt khoảng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở thời điểm này, dù mới chỉ đón du khách nội địa trở lại, song du lịch biển Hải Tiến đã sôi động. Một số đơn vị đã đón một lượng khách lớn như: Khu Hải Tiến Resort, chuỗi Khách sạn Ánh Phương, khu Thiên Đường Xứ Thanh...

Vươn tầm đô thị du lịch biển

Sự phát triển không ngừng của Hải Tiến đã góp phần quan trọng, làm thay đổi cả về kinh tế và xã hội của vùng biển Hoằng Hóa. Trước tốc độ phát triển nhanh, nằm ngoài những dự kiến ban đầu của KDL biển Hải Tiến, cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa và các ngành chức năng của tỉnh đã phải điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với xu thế và yêu cầu mới. Đầu năm 2020, “Quy hoạch điều chỉnh, mở rộng khu đô thị Hải Tiến đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt, nâng tổng diện tích quy hoạch từ 590 ha (theo quy hoạch năm 2015) lên 2.600 ha. Phạm vi ranh giới bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường và một phần các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Phong với định hướng trở thành đô thị loại V vào năm 2025, là một trong những trọng điểm du lịch biển tỉnh Thanh Hóa với các loại hình du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; là trung tâm dịch vụ thương mại, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã hết sức trăn trở trong quá trình xây dựng các văn kiện, đặc biệt là Báo cáo Chính trị - văn kiện trung tâm của đại hội. Trong đó, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhà, những phân tích, đánh giá, ý kiến các chuyên gia, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được tổng hợp nhằm phát huy trí tuệ tập thể, xác định những hướng đi, giải pháp phù hợp để nâng tầm du lịch biển Hải Tiến trong giai đoạn mới.

Hoằng Hóa xác định phát triển du lịch biển gắn với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện là một trong những chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ mới. Trong đó, phát huy lợi thế địa lý về chiều dài bờ biển và hệ thống các di tích hiện có để kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đầu tư phát triển các loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, trải nghiệm; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; các làng nghề truyền thống. Mở rộng, đa dạng các loại hình dịch vụ; khắc phục tình trạng du lịch một mùa. Đẩy mạnh kết nối với các hệ thống du lịch của tỉnh Thanh Hóa; tiếp tục xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch Hoằng Hóa trong nước và quốc tế.

Huyện cũng sẽ tập trung thực hiện các dự án về giao thông để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Hiện nay, dự án nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi KDL sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (giai đoạn 2) đang được triển khai thi công. Tới đây, tuyến đường ven biển đi qua địa bàn huyện Hoằng Hóa được khởi công xây dựng sẽ mở thêm cơ hội cho Hoằng Hóa khai thác tốt tiềm năng phát triển ở các xã vùng ven biển. Cùng với xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, huyện Hoằng Hóa tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, một số dự án của các tập đoàn lớn đã và đang triển khai trên địa bàn, sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch của huyện nhà. Huyện Hoằng Hóa cũng tập trung các giải pháp để người dân các xã ven biển tập trung phát triển ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, chế biến dịch vụ thủy sản, từ đó tạo ra nguồn thực phẩm, sản phẩm hàng hóa phục vụ hậu cần du lịch...

Sau 8 năm đi vào hoạt động, đô thị du lịch biển Hải Tiến đã được định hình và định hướng mở rộng, là kết quả khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và các nhà đầu tư du lịch ở Hoằng Hóa. Đây chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để huyện Hoằng Hóa tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế của một huyện ven biển để thu hút đầu tư vào du lịch Hải Tiến, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng tầm điểm đến, đưa du lịch Hải Tiến trở thành “động lực” quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục