Non nước Việt Nam

Đồng bào Tày, Nùng làm lễ giải hạn đầu năm

Cập nhật: 07/04/2020 08:04:58
Số lần đọc: 853
Lễ giải hạn đầu năm là một phong tục truyền thống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng nhằm xua đuổi cái xấu, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi cho cả năm.

Chứa đựng những giá trị tâm linh

Đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng như một số dân tộc khác quan niệm vũ trụ có ba tầng gồm: Tầng trời (các vị thần thánh và người âm sống), tầng dưới đất (con người sống), tầng dưới nước (thuộc các loài sống dưới nước). Theo dân tộc Tày, Nùng con người gồm có 12 “khoăn” thường thì “khoăn” và thân xác ở cùng nhau. Khoăn là vật dao động, luôn biến đổi, khoăn có thể rời thể xác đi chu du ba cõi. Khoăn đi lâu không về người sẽ mệt mỏi ốm đau, khoăn đi hết thì người sẽ chết. Khi người chết đi khoăn sẽ biến thành ma (phi). Phi cũng có phi lành và phi ác. Phi lành phù trợ cho con cháu làm ăn nhưng nếu ứng xử không tốt thì phi lành cũng quay trở lại quở con cháu, gây hoạn nạn. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng tin tưởng vào tổ tiên với lòng tin tuyệt đối thể hiện qua câu thành ngữ “Cây sống nhờ rễ, quả sống nhờ cành, người sống nhờ có tổ tiên” do vậy tổ tiên là phi lành hộ mệnh.

Vào đầu năm mới, nhiều gia đình Tày, Nùng thường đến mời thầy Then và thầy Pựt để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị các lễ vật và đi đón thầy về để làm lễ. Các đồ cúng thì mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình để sắm lễ. Để chuẩn bị cho một lễ giải hạn, ngoài bàn thờ tổ tiên, các hoạt động của thầy Then được diễn ra tại đây. Còn mâm nhỏ nữa gọi là mâm hành khiến tức là lễ vật cho các quân binh nhà thầy Then, thầy Pựt đi lên giới để xin lộc, xin thiên đình để ban phúc và đề đạt nguyện vọng của gia chủ.

Các lễ vật trong mâm bao gồm một con gà luộc (cáy tổm) có đủ lòng, mề, tim, gan. Một gói xôi nếp (khẩu nua), một chai rượu và một bát gạo có thắp hương cắm ở giữa bát. Ngoài mâm lễ hành khiến gia chủ phải chuẩn bị hai cây chuối rừng (ti đeng), hai chiếc thuyền hoa, một con gà trống (cáy mạ) tượng trưng là con ngựa làm phương tiện cho quân binh nhà thầy lên thiên giới, bên cạnh phải có thêm hũ gạo nhỏ đặt cạnh mâm hành khiến tượng trưng cho số lương thực để dành cho quân nhà thầy ăn trên đường đi làm việc. Bên cạnh đó lễ vật còn có 3 hoặc 5 bát gạo, trứng, nhiều hình nhân được cắt bằng giấy, cành cây, hoa quả…

Mong một cuộc sống an lành, sung túc

Thầy được mời về giải hạn là người có khả năng giao cảm với thế giới thần linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác thông qua nhãn quan của mình. Trong lễ cúng giải hạn thầy Then cầm cây đàn Tính, còn thầy Pựt thì có chiếc quạt và xóc nhạc (nhiều quả nhỏ ghép lại với nhau bằng các vòng tròn sắt đồng). Màu sắc chủ đạo trong trang phục thầy cúng là các màu chàm, đỏ, vàng, trắng. Mỗi một màu tương ứng với một vị thần linh. Khi những làm điệu Then cổ cất lên tiếng xóc nhạc, đàn tính, lời Then tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tổng hòa của thiên, địa, nhân.

Trong nghi lễ gồm có các bước sau: Nhập môn, thỉnh tướng (bước vào với tổ tiên để báo lên tổ tiên, mời tổ tiên về để con cháu trong gia gia đình được dâng các lễ vật), bốc mệnh (dự đoán bản mệnh của người để biết được khái quát về công danh tài lộc, sự thọ yểu, thăng trầm, những bệnh tật hay tai họa trong cuộc đời), trừ tà (diệt trừ tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro), hành yên, lập phú (cầu bình an, tài lộc). Trong đó các thầy có kể nhiều đoạn du ký, vào chợ trợ, lên thiên đình có những động thái sa man (ma nhập vào người) nói chuyện với ma, phán quyết với người, kiểu lên đồng một lúc sau sẽ trở lại bình thường. Trong lễ cúng giải hạn ngoài những lời Then, điệu hát thì thầy còn dùng thẻ gỗ để giao quẻ, xin tài lộc cho gia đình. Nếu gia chủ thành tâm và âm phần tốt thì việc xin quẻ sẽ diễn ra tốt đẹp.

Với lòng tin thuần phác, người dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Lễ giải hạn đầu năm là một phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng được lưu giữ, bảo tồn cho đến tận ngày nay./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT