Non nước Việt Nam

Lễ tảo mộ của người Tày trên Cao Nguyên

Cập nhật: 30/03/2020 16:03:56
Số lần đọc: 954
Trong không khí rạo rực mùa lễ hội, cứ đến ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, những người Tày tại thôn Kơ Nia (xã Ia Trok, huyện Ia Pa, Gia Lai) lại đi thăm, sửa sang, vệ sinh phần mộ người thân gia đình và chuẩn bị mâm cỗ cúng bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.

Đơn giản hóa lễ hội mùa dịch

Đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Gia Lai từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng hơn 100 hộ người Tày gốc Cao Bằng, Lạng Sơn, sống tập trung tại thôn Kơ Nia vẫn giữ được nét đẹp trong phong tục, tập quán do tổ tiên để lại. Đó là tổ chức lễ tảo mộ vào dịp Thanh Minh tháng Ba, cụ thể là ngày 3-3 Âm lịch hàng năm.

Lễ tảo mộ vốn là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Tày. Đây là dịp để con cháu quây quần, sum họp, tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất, cầu mong phù hộ cho mình một năm mới sức khỏe và thành công, gia đình làm ăn khấm khá, con cháu học hành giỏi giang.

Cũng vẫn diễn ra nhưng năm nay, theo Hoàng Văn Tuyến- Trưởng thôn Kơ Nia, lễ tảo mộ của người Tày trong thôn có chút khác biệt so với những năm trước. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước nên thôn không tổ chức tập trung đông người, không khí lễ hội ít nhiều có phần trầm xuống. Người đi tảo mộ chia nhỏ, lễ cúng cũng vắng vẻ hơn, đặc biệt trẻ em và người già được sắp xếp ở nhà để tránh ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo ông Hoàng Văn Tuyến: Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, lễ tảo mộ  năm nay được rút gọn, đơn giản hơn. Thôn triển khai đến từng gia đình hạn chế người tham gia đến mức thấp nhất. Sau khi dùng cuốc thuổng, dao rựa dẩy cỏ, phát quang bụi rậm, lau dọn mồ mả, bà con thành kính bày mâm cơm cúng người đã khuất. Các nghi thức đều thực hiện đầy đủ, chỉ là rút ngắn thời gian. Thay vì trước đây quá trình cúng bái dẫn đến tận trưa thì năm nay giảm chỉ còn vài chục phút. Hoạt động biểu diễn đàn tính, hát Then, các trò chơi dân gian dành cho trẻ em đều được lược bỏ. Bà con tham gia cũng được quán triệt đeo khẩu trang phòng dịch.

Duy trì nét đẹp trong truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Sáng sớm, sau khi cúng trong nhà, tất cả con cháu tập trung trước phần mộ ông bà để tu tảo, sửa sang. Khu mộ phía sau làng tương đối rộng rãi, các phần mộ nằm cách nhau khá xa, lẫn trong cỏ cây um tùm. Những thanh niên khỏe mạnh được phân công phát dọn cây cối, còn các chị lau chùi mồ mả, trải chiếu, bày đồ cúng. Khi cây nêu nhiều màu sắc được cắm trên mộ, phấp phới bay theo gió là lúc con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ. Những chiếc xe công nông buổi sáng chở người và đồ đạc ra mộ, giờ được căng thêm tấm bạt che nắng cho mâm cỗ và là nơi cả nhà nghỉ ngơi, trò chuyện.

Anh Đặng Văn Hoành (Đức Cơ) cho biết: Dù ở xa nhưng hàng năm cứ đến ngày 3-3 âm lịch, anh lại cùng gia đình trở về đây thắp hương ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính, đồng thời nhắc nhở con cái truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông.

Tùy vào điều kiện từng gia đình, mâm cỗ cúng cũng khác nhau nhưng không thể thiếu thịt gà, thịt lợn, xôi ngũ sắc, bánh kẹo, hoa quả, rượu, giấy tiền và quần áo cho người đã khuất. Những nhà đông con cháu, có thời gian thì làm thêm vài món ăn truyền thống của dân tộc mình như: khâu nhục, bánh tro…

Chị Nông Thị Quyết (SN 1976) chia sẻ: Để mâm cỗ thắp hương tổ tiên được đầy đủ, cả gia đình chị đã chuẩn bị từ chiều hôm trước. Xôi ngũ sắc được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phẩm màu. Lá cẩm tùy cách làm sẽ có nhiều màu riêng biệt. Ví như muốn màu đen thì giã lá tươi, lọc lấy nước ngâm gạo, còn muốn màu đỏ thì đem rang lá cẩm lên cho héo, giã lấy nước ngâm gạo cho hạt gạo thấm, bở ra, đồ cho tới khi chín. Xôi ngũ sắc có mùi thơm đặc trưng của cỏ cây, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Riêng món khâu nhục cầu kì hơn. Thịt ba chỉ từng miếng vuông, đem rửa sạch, luộc chín rồi chiên sao cho lớp da vàng giòn. Khứa từng lát nhỏ, ướp thấm gia vị rồi đem hấp cho đến khi thịt mềm rục là được. “Mâm cỗ mỗi gia đình thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của nàng dâu trong gia đình đó. Vì vậy ai cũng cố gắng chuẩn bị mâm cỗ được đầy đủ, đẹp mắt”-chị Quyết nói thêm.

Ngoài việc chăm sóc, đây còn là dịp để các gia đình xây dựng, sửa chữa mồ mả người thân. Gạch ngói, đất cát đã được chuẩn bị từ trước để sáng ngày 3-3, con cháu bắt tay đào móng, xây mộ. Bà con quan niệm động thổ làm mộ là một việc rất quan trọng, giống như xây dựng nhà cửa. Và bà con người Tày ở đây đều đồng loạt xây mộ vào ngày 3-3 âm lịch hàng năm.

Những nghi thức, sinh hoạt, các món ẩm thực quen thuộc dịp tảo mộ xuất phát từ truyền thông bao đời của người Tày, dù ở nơi đâu. Đây cũng là dịp để bà con người Tày xa quê bớt nhớ quê nhà và lưu giữ phong tục tốt đẹp của dân tộc mình./.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT