Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống thành đặc sản du lịch ở Vĩnh Long

Cập nhật: 22/12/2023 14:21:13
Số lần đọc: 901
Đờn ca tài tử và hát bội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ thể hiện tâm tư tình cảm của người dân nơi đây trong quá trình lao động, sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực để loại hình nghệ thuật truyền thống này trở thành đặc sản du lịch địa phương.


Đờn ca tài tử được đưa vào biểu diễn cho khách du lịch ở những homestay, miệt vườn. Ảnh: Ái Vân

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, Vĩnh Long là cái nôi của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cũng là đại diện đưa loại hình nghệ thuật hát bội của tỉnh sang biểu diễn ở Mỹ. Hiện nay, khách du lịch về với Vĩnh Long cũng muốn được xem hát bội, cũng muốn được ngồi hát cùng các nghệ nhân đàn hát đờn ca tài tử vào buổi tối ở những vườn cây ăn trái, hay ở những homestay...

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận ra được thế mạnh của mình, nên đã tập trung đầu tư vào du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa..., đưa thế mạnh của địa phương để khai thác phát triển kinh tế. Vì hiện nay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng thay đổi theo thời gian, nhất là khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Các loại hình nghệ thuật hiện đại đang dần thay thế những loại hình nghệ thuật truyền thống trong nhu cầu thưởng thức. Để lưu truyền nghệ thuật truyền thống của cha ông cho thế hệ mai sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long cùng các cơ sở du lịch ở Cù Lao An Bình, huyện Long Hộ đã nỗ lực đem đờn ca tài tử và hát bội vào khai thác du lịch, phấn đấu để hai loại hình nghệ thuật này trở thành đặc sản du lịch của địa phương.

Nghệ thuật đờn ca tài tử không phải của riêng tỉnh Vĩnh Long mà nó là môn nghệ thuật được phổ biến ở 21 tỉnh, thành, do đó, mỗi địa phương phải tìm ra cách riêng và phát triển nó. Bà Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ cơ sở Út Trinh Homestay chia sẻ: "Đờn ca tài tử và hát bội là hai loại hình có hai dòng khách khác nhau, loại hình đờn ca tài tử rất phổ biến, phổ thông với tất cả mọi người, ai cũng biết hát, vì tiếng đàn hát gắn liền với cuộc sống của mình; còn loại hình hát bội thì trong ca từ hơi trừu tượng nên hơi khó khi đưa vào du lịch. Do đó, Homestay Út Trinh đã tái hiện không gian Nam Bộ xưa với chương trình đốt đèn dầu đi nghe đờn ca tài tử, hoặc đốt đuốc đi nghe đờn ca tài tử trong không gian Nam Bộ ấm áp".

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2022 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022. Do đó, mục tiêu của đề án là tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; tạo điều kiện để thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong gia đình, nhà trường, câu lạc bộ, cộng đồng dân cư và lồng ghép vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Hát bội đang được nhiều nghệ sĩ, người yêu hát bội chung tay, nỗ lực bảo tồn và phát huy. Ảnh: Ái Vân

Hát bội ở Vĩnh Long có nhiều thành công đáng kể, năm 2007, đoàn hát bội Đồng Thinh, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi biểu diễn tại lễ hội đời sống dân gian ở Mỹ. Năm 2016, chương trình đốt đuốc đi xem hát bội được đưa vào phục vụ khách du lịch ở Vĩnh Long. Đến năm 2021, Trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch Vĩnh Long đã xây dựng kịch bản, đốt đuốc lá dừa xem hát bội. Do đó, biểu diễn nghệ thuật hát bội được phát triển theo hướng trở thành đặc sản đặc thù của du lịch Vĩnh Long, góp phần việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh Tâm, Đoàn hát bội Đồng Thinh chia sẻ: "Hát bội, hay hát đờn ca tài tử là một loại nhu cầu khơi lại truyền thống, bởi muốn bảo tồn và phát triển nó cần phải có khán giả, muốn có khán giả thì phải nhắc lại cho khán giả nhớ. Đã lâu rồi, hát bội không còn biểu diễn rộng rãi nữa. Nếu không muốn để loại hình nghệ thuật truyền thống này bị lãng quên, cần có phương pháp bảo tồn và phát triển, đưa nó đến với công chúng rộng rãi".

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hát bội ở Vĩnh Long cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực dần bị mai một theo thời gian. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của loại hình nghệ thuật này luôn được quan tâm, nhất là của ngành văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long đang trong tiến trình hội nhập.

Nhận thấy những khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống hát bội, tháng 11/2020, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, với mục đích, xác định và xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng để khai thác có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiềm năng cho phát triển du lịch; để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa trong tương lai.

Đề án tập trung xây dựng, phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch homestay; du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa. Đặc biệt, du lịch văn lịch văn hóa được xem là sản phẩm du lịch định hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có nghệ thuật hát bội.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Vĩnh Long là địa phương ở Nam Bộ có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Giai đoạn II 2022 - 2025, tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Vĩnh Long với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản lý, định hướng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử ở địa phương.

Đến nay, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực xây dựng những hoạt động du kịch trải nghiệm hấp dẫn bằng việc tận dụng lợi thế du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với các sản phẩm dân gian như hát bội, đờn ca tài tử. Du lịch Vĩnh Long đang từng bước nỗ lực tạo dấu ấn riêng, trong đó, việc phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống vừa góp phần phát triển du lịch, vùa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào và trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Ái Vân

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 20/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT