Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Ba Vì

Cập nhật: 02/12/2020 09:51:42
Số lần đọc: 898
Lễ cấp sắc là tín ngưỡng dân gian có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân tộc Dao, chứa đựng nhiều yếu tố truyền thống, một hiện tượng văn hóa tổng hợp, bao gồm cả yếu tố tâm linh, văn hóa nghệ thuật thông qua nhiều loại hình dân ca, dân vũ, nhạc lễ... Sinh hoạt văn hóa độc đáo này đang được cộng đồng người Dao ở huyện Ba Vì gìn giữ, bảo tồn phù hợp với đời sống mới.


Một buổi lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt ở xã Ba Vì.

Bản sắc văn hóa đi cùng năm tháng

Có thể nói, dân tộc Dao là một trong những dân tộc có nhiều ngành, nhiều nhóm địa phương nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sự đa dạng đó đã làm nên tính phong phú trong văn hóa Dao cả về ngôn ngữ, trang phục và phong tục tập quán. Trong đó, cộng đồng Dao Quần chẹt ở Ba Vì là một nhóm địa phương thể hiện sự phong phú trong sắc thái văn hóa cộng đồng Dao Việt Nam nói chung và Dao Quần chẹt nói riêng.

Nói về người Dao ở huyện Ba Vì, nhiều người nhắc ngay đến một địa phương có người Dao Quần chẹt cư trú thành cộng đồng đông nhất trong 31 xã của huyện Ba Vì, gồm 461 hộ người Dao với khoảng 1.900 người, chiếm đến 98% dân số toàn xã. Đó là xã Ba Vì, nơi còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc như các làn điệu dân ca, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, lễ hội... Trong đó, không thể không nhắc đến lễ cấp sắc (lễ lập tịch), một loại hình thực hành tín ngưỡng đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.

Theo quan niệm của người Dao, đàn ông đã lập gia đình, có vợ, có con nhưng chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn được coi là trẻ con. Người chưa được cấp sắc là chưa có tên âm, chưa được tham gia vào các công việc hệ trọng của gia đình, của bản làng, không được giúp việc cho thầy cúng... Người Dao cũng quan niệm rằng, phải trải qua lễ cấp sắc thì mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác, các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của thần linh, gia tiên và có sự chứng nhận của họ hàng bên nội, bên ngoại, bà con dân bản.

Để thực hiện lễ cấp sắc cho một người trưởng thành, cần rất nhiều lễ vật, do vậy gia đình cần chuẩn bị từ nhiều tháng, thậm chí là hàng năm trời. Thời gian diễn ra lễ cấp sắc thay vì 2 ngày 2 đêm như trước kia thì hiện nay đã được rút ngắn còn khoảng 1 ngày 1 đêm, với 7 thầy cúng và mỗi thầy cúng có những nhiệm vụ cụ thể như: Thầy cả điều hành toàn bộ công việc chính của buổi lễ; thầy hai làm nhiệm vụ cấp sắc cho người thụ lễ; thầy ba là người làm chứng cho toàn bộ sự việc; thầy tư lo việc đón rước gia thần, địa thánh; thầy năm là thầy bếp, phụ trách những công việc chuẩn bị lễ vật trong nghi lễ...

Trước khi thực hiện các nghi lễ, treo tranh và gói bánh tế lễ là hai trong số những nghi thức quan trọng nhất tại lễ cấp sắc. Người Dao có 24 bức tranh với hình ảnh các vị thánh, thần... chứng giám cho buổi lễ. Ngoài ra, những dụng cụ không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng tâm linh của người Dao đó là sách cúng, ấn, lệnh, trống, thanh la, chuông, chiêng... đóng vai trò kết nối giữa thánh thần với người trần để tạo ra tính thiêng của buổi lễ.

Kết thúc các nghi lễ cấp sắc, tất cả giấy sớ, tiền vàng được đem hóa. Các lễ vật được gia đình gói đáp lễ cho thầy và chia cho những người giúp việc. Phần lộc còn lại được gia đình chiêu đãi họ hàng, dân bản cùng chung vui, vì từ nay trong bản có thêm một thành viên đã trưởng thành.

Đổi mới để thích ứng

Lễ cấp sắc không chỉ là sự kết nối giữa không gian thiêng với không gian trần tục, giữa cõi thánh, thần với giới trần tục, mà quan trọng là sự kết nối giữa con người với con người, giữa người được cấp sắc với gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Họ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, cùng nhau góp sức chuẩn bị đủ lễ vật như gà, lợn, rượu, gạo nếp đến giúp nhau trong các khâu chuẩn bị đồ lễ.

Niềm vui được cộng đồng dân bản thể hiện qua ý thức và trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng tham gia vào khóa lễ. Mỗi người mỗi việc, tự giác chuẩn bị đồ lễ, giúp chủ nhà trong mọi việc mà không cần ai phải bảo ai. Tính cố kết cộng đồng bền chặt cũng được tỏ bày qua việc cùng nhau hướng tới việc giữ gìn đạo lý làm người, hướng tới việc thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trường Phát (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Lễ cấp sắc của đồng bào người Dao là một sự kiện trọng đại không riêng của người được cấp sắc mà còn là một sự kiện lớn của dòng họ, của cộng đồng. Chính lễ cấp sắc gắn kết cộng đồng với nhau thông qua ý thức và trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng và của người được cấp sắc đối với cộng đồng.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Chính sự thay đổi về mặt đời sống kinh tế - xã hội đó đã kéo theo văn hóa của người Dao cũng có nhiều thay đổi. Làm thế nào để bảo tồn được các giá trị đích thực, khai thác thực hành các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc - đó là nỗi lo của nhiều người Dao, trong đó có anh Lý Say Tình, một thầy cúng trẻ trong cộng đồng người Dao ở Ba Vì.

Cũng như người Dao trên cả nước, người Dao ở Ba Vì có nhiều nghi lễ trong chu kỳ đời người. Trong đó lễ cấp sắc, như trên đã nói là một nghi lễ trưởng thành mà người đàn ông người Dao nào cũng mong muốn trải qua để được coi là trưởng thành, được cộng đồng tôn trọng, khi chết hồn mới được đưa về với tổ tiên... Hiện nay, lễ cấp sắc vẫn đang tồn tại trong đời sống của người Dao ở Ba Vì, nhưng trước tác động của quá trình đô thị hóa, của xu hướng giao lưu hội nhập, các nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt cũng có nhiều đổi thay so với trước.

Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời là Trưởng ban đại diện Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc): Sợi dây kết nối chặt chẽ trong lễ cấp sắc đã được người Dao bản địa hóa cùng với việc thờ cúng tổ tiên, và khi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn thì lễ cấp sắc còn. Chính vì thế, để phù hợp hơn với đời sống đương đại, người Dao đã giảm chi phí sắm lễ, giảm thời gian hành lễ..., loại bỏ các thủ tục, nghi lễ rườm rà, mê tín dị đoan để hướng đến một quy trình tổ chức lễ cấp sắc nhanh, gọn, tiết kiệm và hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm được tính linh thiêng, tính cố kết bền chặt trong cộng đồng người Dao.

Lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt ở Ba Vì là một mỹ tục hướng con người đến chân - thiện - mỹ, là sinh hoạt gắn kết cộng đồng trong đời sống văn hóa truyền thống và hiện tại. Trải qua thời gian, lễ cấp sắc của người Dao Việt Nam nói chung và người Dao Quần chẹt ở Ba Vì luôn biến đổi, thích ứng, phù hợp với đời sống hiện nay để tạo nên hơi thở mới, sức sống mới nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt sắc thái văn hóa dân tộc của cộng đồng người Dao.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT