Hành trang lữ khách

Độc đáo Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long

Cập nhật: 06/09/2023 13:49:53
Số lần đọc: 534
Nằm trong khuôn khổ “Festival Nông sản Việt Nam-Vĩnh Long năm 2023”, những ngày này, Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long đã dần hình thành với những sản phẩm gốm đỏ đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, tô điểm cho con đường thêm rực rỡ.

Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long gần hình thành tại phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Tuyến đường gốm đỏ nằm trên đường nối giữa đường Phạm Hùng với đường Võ Văn Kiệt, phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Con đường gốm được trưng bày trên đoạn đường hơn 500m, chiều rộng mặt đường 10m ở giữa, còn lại mặt đường 2 bên, mỗi bên 9m.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời kiểm tra tiến độ thực hiện Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long vào sáng 6/9.

Hiện đường gốm đã dần hình thành trưng bày với gần 2.500 sản phẩm gốm của 16 doanh nghiệp sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tham gia. Con đường gốm do Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phối hợp Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cùng thực hiện.

Nhiều công nhân đang khẩn trương hoàn thiện công trình.

“Festival Nông sản Việt Nam-Vĩnh Long năm 2023” sẽ được tổ chức tại đường Võ Văn Kiệt, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long từ ngày 11 đến 17/9 với quy mô khoảng 300 đơn vị tham gia.

Độc đáo nhất của Con đường gốm đỏ Vĩnh Long là công trình chiếc lò tròn truyền thống dùng để nung sản phẩm gạch gốm Vĩnh Long.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo này, tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.

Nhiều sản phẩm gốm đỏ có hoa văn độc đáo.

Sắp tới khi hoàn thiện sẽ giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long có chiều dài hơn 500m với 2.500 sản phẩm gạch gốm đỏ được trưng bày.

Làng gạch gốm Vĩnh Long đã tồn tại hơn 100 năm với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000 ha thuộc địa phận huyện Mang Thít và một phần của huyện Long Hồ và thành phố Vĩnh Long. Sản phẩm đặc sắc này đã tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo.

Bá Dũng

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 06/09/2023

Cùng chuyên mục