Tin tức - Sự kiện

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Cập nhật: 31/08/2023 09:56:29
Số lần đọc: 549
Liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch là một trong những điều kiện then chốt để các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vực dậy ngành “công nghiệp không khói”.


Đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Học viện Đào tạo IBH Academy - Furama Resort Đà Nẵng. (Ảnh Văn Tín)

Cuối năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó xác định:

Đến năm 2025, tổng số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng của thành phố là 51.000 người và vào năm 2030 là 81.800 người với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70%.

Toàn bộ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương được đào tạo về nghiệp vụ du lịch phù hợp với vị trí việc làm, 50% được đào tạo kỹ năng số cơ bản.

Các chương trình đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch về chuyển đổi số, các loại hình du lịch, xu hướng du lịch mới; phối hợp cùng Hiệp hội du lịch về đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Đặc biệt trong giai đoạn ngắn hạn 2022-2025, ngành du lịch nhanh chóng xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch khôi phục nhân lực trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục số lượng, chất lượng nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, phát triển nguồn nhân lực du lịch được xem là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu và định hướng phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, địa phương này định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch bảo đảm về số lượng và chất lượng lao động du lịch; tăng cường năng lực cơ sở đào tạo nhân lực du lịch; tăng cường liên kết trong đào tạo du lịch.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tạo việc làm cho trên 160.000 lao động trong ngành du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tổng số lao động ngành du lịch đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh là khoảng 11.000 lao động, giảm gần 40% so với năm 2019 (18.000 lao động).

Lực lượng lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch cụ thể: Lao động trong lĩnh vực lưu trú chiếm khoảng 70% tương đương 7.700 người; trong đó: Lĩnh vực Lữ hành-Vận chuyển chiếm 5,5% tương đương 605 người; lĩnh vực nhà hàng, sân golf và các dịch vụ khác chiếm 24,5% tương đương 2.695 người.

Hiện nay, lực lượng lao động nòng cốt tại các doanh nghiệp gồm các cấp quản lý, trưởng bộ phận hoặc nhân viên có kinh nghiệm và đã qua đào tạo được doanh nghiệp giữ hoặc quay lại làm việc chiếm khoảng 40%, tương đương khoảng 4.000 người. Còn lại, các doanh nghiệp sau khi mở cửa hoạt động đều phải tuyển lao động lại và tự đào tạo tại chỗ.

Đến năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam cần có khoảng 23.000 lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch; trong đó, 30% lực lượng lao động cấp quản lý, điều hành và trưởng các bộ phận đã được đào tạo, tương đương khoảng 6.900 người.

Hằng năm nhu cầu lao động ngành du lịch cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách khoảng 70%, tương đương với 16.100 người.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định phát triển toàn diện văn hóa-xã hội vùng là:

Tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, các tỉnh, thành phố thuộc vùng có đầy đủ cơ sở để liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng phát triển.

Dựa vào thế mạnh riêng của từng địa phương cùng với chiến lược phát triển chung của toàn vùng, hiện các địa phương đã ban hành nhiều đề án dành riêng cho lĩnh vực du lịch.

Nguồn nhân lực du lịch đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài đóng băng vì dịch Covid-19, lao động nghỉ việc nhiều, việc lấp đầy lại khoảng trống này không thể ngày một ngày hai.

Các giải pháp được nhiều địa phương đề ra như:

- Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư;

- Bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách;

- Tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, nhất là thu hút doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo...

Du lịch đang được nhiều địa phương trong vùng coi là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Sớm giải quyết những hạn chế, khó khăn chung sẽ tạo được nguồn động lực, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, trong đó có các ngành du lịch và dịch vụ biển.

 
Anh Đào
Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 30/8/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT