Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Thưởng thức mèn mén trên cao nguyên

Cập nhật: 27/12/2022 08:27:29
Số lần đọc: 619
Mèn mén là món ăn đặc trưng của người Mông mà du khách thường được thưởng thức mỗi dịp lên vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc. Tuy nhiên, trên mảnh đất Tây Nguyên, nơi vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, nhiều người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống vẫn giữ được cách chế biến món ăn này.


Mèn mén - có nghĩa là bột ngô hấp, là một trong những món ăn không thể thiếu trong những phiên chợ vùng cao, tạo nên đặc sắc trong nền văn hóa truyền thống của người Mông. So với một số dân tộc khác, người Mông không chỉ giỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô mà họ còn rất giỏi trong việc chế biến ngô thành nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn. Trong đó mèn mén là một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất.

Bà Vừ Thị Chợ (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đang làm tơi mèn mén trước khi hấp.

Bà Vừ Thị Chợ (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chia sẻ, gia đình bà từ Hà Giang vào sinh sống tại Đắk Lắk đã gần 20 năm nay. Xa quê hương đã lâu nên nhiều món ăn đặc trưng của dân tộc Mông bà đã ít nấu dần. Duy chỉ có món mèn mén là bà vẫn thường nấu mỗi dịp lễ, Tết hay khi nhà có khách quý đến thăm. Nguyên liệu chính để làm được món ăn đặc sản này chính là ngô. Mèn mén ngon nhất là được làm từ ngô tẻ và nghiền bằng cối đá. Tuy nhiên bây giờ cuộc sống hiện đại hơn, bà Chợ và nhiều người khác thường xay ngô bằng máy nhưng so với nghiền bằng cối đá vẫn không mịn bằng. Ngô sau khi xay xong sẽ đem sàng để bỏ mày và sạn rồi mới cho vào nia trộn cùng nước. Phải làm sao để bột ngô hòa vào nước không bị vón cục, không nát quá, vừa đủ độ dẻo, độ sánh. Bột khô quá sẽ khó hấp chín hoặc ngoài chín trong sống, bột vón thì ăn bị nát và nhạt. Đây là công đoạn quan trọng, người chế biến phải tính toán cho lượng nước vừa đủ để bột ngô không bị khô hoặc bị nhão làm ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của món ăn. Mèn mén phải hấp hai lần riêng biệt mới đúng quy cách. Nồi hấp là một chiếc chảo lớn chứa nước, ở giữa là một cái nồi cao, bột ngô sau khi được trộn với nước sẽ được đặt trong nồi hấp như là đồ xôi. Lửa được đun bằng củi hoặc than nhưng không được đun lửa quá to.

Thời gian hấp chín mèn mén tùy thuộc vào từng loại ngô. Ngô non thì chỉ khi nước trong chảo sôi, hơi bốc lên một lúc là chín, còn nếu bột ngô già (hạt vàng suộm, cứng) thì phải lâu hơn khoảng 10 phút nữa. Sau khi hấp xong lần một, bột được đổ ra mẹt, khi bớt nóng sẽ được vò tơi để không vón cục. Hấp lần một chưa thể làm cho bột ngô chín hẳn, nhiều chỗ còn khô nên cần cho thêm một ít nước vào rồi đảo tiếp. Khi nào bột tơi hoàn toàn, có mùi thơm nhẹ thì tiếp tục cho bột ngô vào hấp lần hai. Lần hai được hấp giống như lần một nhưng cần để lửa nhỏ hơn vì để lửa to dễ làm mất hương vị của ngô. Khi thấy mùi thơm bốc ra, kiểm tra thấy bột ngô đã dẻo, mềm thì bắc ra ủ khoảng 30 phút rồi mới đem ra dùng. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngọt của ngô. Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như canh đậu hũ, canh rau cải... để tạo hương vị thơm ngon, đậm đà.

Mèn mén sau khi hấp có hương vị thơm ngon và màu vàng bắt mắt.

Ngày nay, cuộc sống của người Mông trên mảnh đất Tây Nguyên đã đầy đủ hơn, mèn mén không còn là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày như những ngày còn ở vùng cao Tây Bắc. Thế nhưng mỗi dịp lễ, Tết, trong mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, mèn mén là món ăn không thể thiếu được. Đặc biệt, đối với những thực khách không thể lên tận Tây Bắc để thưởng thức món ăn này thì vẫn có thể được thử tay nghề của người Mông ở Đắk Lắk.

Khả Lê

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 25/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT