Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Nâng tầm ẩm thực thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 19/11/2019 07:52:41
Số lần đọc: 854
Một điểm đến du lịch không chỉ có hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mà bao gồm cả văn hóa, ẩm thực. Lâu nay, ngành du lịch Đà Nẵng chú trọng xây dựng các sản phẩm thu hút khách nhưng ở lĩnh vực ẩm thực còn bỏ ngỏ. Trước thực tế đó, nhiều cá nhân, đơn vị đang từng bước đưa ẩm thực trở thành sản phẩm đặc trưng của điểm đến Đà Nẵng.


Món bánh xèo đã được các đầu bếp biến tấu và nâng tầm để giới thiệu với khách. Trong ảnh: Đầu bếp của Ẩm thực Xèo đang trình diễn cách chế biến với các đầu bếp quốc tế tại một buổi giao lưu ẩm thực.

Theo chị Võ Thị Minh Hảo, chủ Huha homestay (đường Hồ Xuân Hương), tâm lý của khách khi đi du lịch thường muốn thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương, vùng miền. Có lẽ vì thế mà những món ăn đặc trưng của Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những chuyến đi của du khách, kể cả khách trong nước và quốc tế.

“Trong những bữa ăn trải nghiệm cùng người dân địa phương tại Huha homestay, chúng tôi thường mang đến cho khách những món ăn mang đậm tính địa phương như mì Quảng hay bánh tráng thịt heo…, hoặc nếu đưa khách đi trải nghiệm quanh phố chúng tôi cũng dẫn khách đến thưởng thức đặc sản của Đà Nẵng như: kem bơ tại chợ Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà); bánh bèo, bánh lọc (tại chợ Cồn, chợ Hàn)…

So với trước đây, ẩm thực dành cho du khách được những người làm du lịch quan tâm hơn rất nhiều. Nhiều món ăn dân dã của địa phương đã được nâng tầm từ chất lượng đến cách bày trí đẹp mắt, kích thích thị giác của du khách như món bánh xèo tại Ẩm thực Xèo, mì Quảng tại Bếp Trang, mì Quảng bà Mua, bánh tráng thịt heo Trần…

Anh Nguyễn Tấn Vũ, Giám đốc Công ty CP Amomi, chủ hệ thống thương hiệu Ẩm thực Xèo bày tỏ, thực ra bánh xèo là món ăn dân dã không xa lạ với người dân các tỉnh Trung Trung Bộ. Song, mỗi địa phương đều có những biến thể khác nhau để phù hợp với vùng miền.

Tại Đà Nẵng cũng thế, món bánh xèo có những biến thể nhưng điều mà hệ thống Ẩm thực Xèo xây dựng và hướng đến là sự hài lòng và thoải mái của du khách khi thưởng thức món ăn, từ đó đưa món ăn truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch, được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Đà Nẵng.

Chính từ mong muốn này mà tại “Lễ hội ẩm thực quốc tế” diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, Ẩm thực Xèo đã phối hợp cùng 14 đầu bếp đến từ các quốc gia đã đưa món bánh xèo đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế khi cùng nhau làm chiếc bánh xèo lớn nhất Việt Nam với đường kính 3,68m, nặng 700kg để “thết đãi” du khách tại lễ hội.

Cần tour chuyên về ẩm thực

Dù có nhiều nỗ lực, hiện nay Đà Nẵng vẫn chưa có các tour dành riêng cho ẩm thực. Các món ăn nói trên tuy được những người làm du lịch quan tâm song vẫn mới đang ở mức phụ trợ, chưa trở thành một tour chuyên biệt phục vụ du khách.

Trong dự án Danang free walking tour (tour đi bộ tham quan Đà Nẵng miễn phí), anh Nguyễn Minh Lợi, chủ nhân của dự án này từng đưa chương trình trải nghiệm ẩm thực địa phương vào tour nhưng theo đánh giá của anh Lợi thì để ẩm thực trở thành một sản phẩm riêng biệt, đòi hỏi rất nhiều yếu tố không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là trải nghiệm văn hóa, không gian…; tức là phải hình thành, xây dựng được tour du lịch chuyên về ẩm thực, lựa chọn những món ăn đặc trưng để đưa vào tour, du khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa có thời gian tìm hiểu văn hóa, lịch sử của món ăn đó.

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho biết, vài năm trước, tại Hội An (Quảng Nam) có tour trải nghiệm ẩm thực dành cho khách du lịch khá hay, thu hút rất đông khách. Theo đó, du khách được tham gia đi chợ, lựa chọn nguyên liệu và được các đầu bếp hướng dẫn làm một số món ăn truyền thống bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo hay ram cuốn… ngay tại nhà hàng.

Du khách làm xong sẽ được thưởng thức luôn thành quả của mình. “Vậy tại sao chúng ta không xây dựng các sản phẩm tour về ẩm thực tương tự như thế, khách vừa có sự trải nghiệm, vừa giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương”, ông Lực đặt vấn đề.

Với mong muốn quảng bá các món ăn đặc trưng của địa phương, trong năm 2019, trong hoạt động “Điểm hẹn mùa hè” diễn ra vào tháng 6, lần đầu tiên ngành du lịch thành phố đã tổ chức rất thành công chương trình “Một ngày làm đầu bếp xứ Quảng”. Tại đây, các thành viên của Câu lạc bộ Bếp chuyên nghiệp đã làm và hướng dẫn du khách chế biến các món ăn đặc trưng của địa phương như: gỏi cá, bánh bột lọc, bánh xu xê, bánh xèo… Du khách còn được thưởng thức các món ăn do chính mình chế biến.

Mới đây trong chuyến khảo sát du lịch đường sông do Sở Du lịch thành phố tổ chức, trong tour du lịch đường sông với điểm đến là nhà cổ Tích Thiện Đường (thôn Thái Lai, huyện Hòa Vang) có việc đưa ẩm thực trở thành một phần của tour này. Du khách đến đây được tự tay chuẩn bị nguyên liệu, chế biến các món ăn như mì Quảng gà, xay bột làm bánh bột lọc, bánh ram ít, hay tráng bánh tráng…

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch, ngành du lịch thành phố cũng đã mời những người nổi tiếng đến Đà Nẵng trải nghiệm các món ăn địa phương và làm các video, clip để quảng bá về ẩm thực.

Những hoạt động này sẽ góp phần giới thiệu rộng rãi các món ăn đặc trưng đến với du khách trong nước và quốc tế, từng bước đưa ẩm thực trở thành một sản phẩm, là cầu nối giúp du khách đến với Đà Nẵng nhiều hơn. Trên cơ sở đó, trong tương lai không xa, các đơn vị lữ hành có thể hình thành các tour về ẩm thực, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch.

Không chỉ riêng các nhà hàng nỗ lực nâng tầm các món ăn dân dã địa phương mà các đầu bếp của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng không ngừng học tập, trao đổi để nâng cao tay nghề chế biến các món ăn này.

Theo anh Doãn Văn Tuấn, bếp trưởng của Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, việc tham gia các khóa học, tập huấn nâng cao tay nghề sẽ giúp các đầu bếp có cơ hội mở rộng kiến thức, tiếp xúc với các tiêu chuẩn ẩm thực khắt khe để tạo ra nhiều món ăn chất lượng, đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục