Non nước Việt Nam

Chợ phiên Hà Lâu - nét đẹp văn hóa vùng cao

Cập nhật: 07/07/2020 08:13:02
Số lần đọc: 1026
Những ngày cuối tháng 6/2020, bà con nhân dân xã Hà Lâu (Tiên Yên) tưng bừng, phấn khởi trong ngày hội lớn. Đó là lễ công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra cùng với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao và chợ phiên Hà Lâu. Trong đó, chợ phiên Hà Lâu là nơi phản ánh đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y cùng một diện mạo mới nơi vùng đất này.


Các thầy cúng trình diễn nghi lễ trong lễ cấp sắc - nghi thức trưởng thành của người đàn ông Dao.

Chợ phiên Hà Lâu họp từ rất sớm. Bà con ai cũng hân hoan chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để về tham dự chợ phiên hàng tháng. Chợ phiên Hà Lâu có từ năm 1965 là nơi hội tụ, trao đổi mua bán sản vật địa phương của người dân tộc Dao Thanh Y, Tày, Sán Chỉ.

Sau nhiều năm mai một, cuối tháng 10/2018, huyện Tiên Yên đã phục dựng, đưa chợ phiên hoạt động trở lại vào sáng chủ nhật hàng tuần. Chợ được họp tại thôn Bắc Lù – Nà Trang ngay trung tâm xã Hà Lâu, cách thị trấn Tiên Yên khoảng 30 km.

Chợ không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương do bà con nhân dân tự tay làm ra mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt dẹp của cộng đồng các dân tộc.

Du khách đến với chợ phiên không chỉ thích thú khi được mua sắm những sản phẩm do bà con dân tộc Dao Thanh Y sản xuất và giới thiệu, mà còn đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống qua các hoạt động chính của lễ hội. Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn, nên kinh tế phát triển khá ổn định mà còn bởi họ đã giữ gìn và bảo lưu hầu như nguyên vẹn những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Một trong những giá trị đó chính là lễ cấp sắc (Phùn Voòng) - một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong đời một người đàn ông Dao. Lễ cấp sắc được tái hiện trên sân khấu của chương trình rất độc đáo, thông qua nội dung các bài cúng khấn, các bài hát trong lễ cấp sắc đã nói lên khát vọng của con người mong muốn có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc, thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc.

Một trong những nghi lễ đặc sắc khác của bà con dân tộc Dao chính là lễ rước dâu với nhiều nghi thức quan trọng đánh dấu cuộc hành trình đi tới hôn nhân của một đôi nam nữ. Nghi lễ được tiến hành trong thời gian từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau, liên tiếp từ nhà gái sang nhà trai.

Vào ngày này, cô dâu sẽ mặc trang phục của dân tộc mình, đó là một bộ đẹp và cầu kỳ nhất. Điều quan trọng hơn là bộ trang phục phải do chính cô dâu tự thêu cho mình trước khi đi lấy chồng. Nếu người con gái không tự thêu được thì bộ trang phục mà cô dâu mặc trong ngày cưới phải do mẹ, chị, cô, dì hay bác của cô dâu thêu cho. Ngoài trang phục áo dài được thêu hoa văn cầu kỳ, về nhà trai, cô dâu còn có thêm những chiếc khăn thêu để buộc áo, chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ màu sặc sỡ.

Trang phục của chú rể thì có phần đơn giản hơn, đó là chiếc áo được nhuộm chàm có thêu hoa văn đơn giản và đội thêm một chiếc mũ vải cũng thêu hoa văn. Nghi thức rước dâu được tái hiện một phần trên sân khấu đã giúp mỗi người có được hình dung rõ nét hơn về nét đẹp trong văn hóa người dân tộc Dao.

Không thể thiếu trong mỗi phiên chợ là những sản vật do người phụ nữ dân tộc Dao tự tay làm nên, đó là những chiếc bánh chưng gù và sản phẩm thêu tay mà dường như ai đến chợ cũng chọn mua để mang theo hương vị Hà Lâu. Điều đặc biệt khi tới với phiên chợ này là du khách được chứng kiến hội thi gói bánh chưng và thi thêu, kết nối tinh hoa của vẻ đẹp khéo léo, cần cù chịu thương chịu khó của người phụ nữ dân tộc Dao.

Chiếc bánh chưng gù như hình ảnh người phụ nữ đeo chiếc gùi trên lưng, lên nương làm rẫy. Bánh được gói bằng gạo nếp nương cùng với thịt lợn và lá cơm lông nên có hương vị và màu sắc rất riêng.

Sự khéo léo, tỉ mỉ của các cô gái người Dao được thể hiện qua từng đường nét thêu trên trang phục của họ. Những họa tiết thêu cầu kỳ, chủ yếu được thêu từ những sợi len với đủ các màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng sặc sỡ. Ngày nay, mặc dù có rất nhiều lựa chọn về trang phục do giao lưu kinh tế, văn hóa phát triển, nhưng người phụ nữ Dao vẫn sử dụng trang phục truyền thống của mình. Khi ngồi thêu, họ dường như tập trung toàn bộ tinh thần và sự sáng tạo cho sản phẩm của mình. Điều đó tự nhiên làm nên sức hút của người phụ nữ Dao trong đời sống hiện đại.

Chia sẻ về niềm vui khi được giới thiệu sản phẩm tại chợ phiên, chị Lý Thị Mai, người dân xã Hà Lâu cho biết: Được giới thiệu về trang phục, trang sức của chị em dân tộc mình, tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi nhiều người cùng biết đến. Ngày nay các bạn trẻ đang dần quên đi bản sắc khiến cho văn hóa truyền thống này dần mai một. Nếu như có nhiều hoạt động bày bán quảng bá trang phục, trang sức như thế này, các bạn trẻ sẽ được khơi gợi lại và thêm yêu bản sắc dân tộc mình.

Có lẽ, vẻ đẹp tâm hồn mộc mạc, giản dị của những người dân nơi đây cùng với sự đa dạng trong nét đẹp văn hóa dân tộc đã góp phần tô điểm tạo nên sức sống cho phiên chợ này, cùng với đó là sự phát triển đổi mới hơn, vui tươi và hạnh phúc hơn của bà con nhân dân nơi đây.

Trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, huyện Tiên Yên xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn liền với du lịch. Cùng với việc khai thác tốt các tuyến điểm du lịch, phố đi bộ Tiên Yên, xây dựng làng văn hóa đặc trưng dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, việc đổi mới nâng cao chất lượng chợ phiên Hà Lâu hứa hẹn đưa nơi đây trở thành địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT