Nhìn ra thế giới

Cách Nhật Bản phát huy giá trị bảo vật quốc gia gắn liền với phát triển du lịch: Việt Nam có thể học hỏi

Cập nhật: 29/06/2023 15:05:49
Số lần đọc: 500
Nhật Bản rất chú trọng tới bảo tồn "báu vật quốc gia" nhằm phát triển du lịch và nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản.


Theo trang Nipppon, tại Nhật Bản, hầu hết các trường đại học thường rất gần công viên hay bảo tàng nghệ thuật. Những chuyến dã ngoại của trường học và khách du lịch nước ngoài đang trở nên thường xuyên hơn sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nippon

Khái niệm "du lịch trong nước" đã trở thành một mục tiêu quan trọng trong chính sách văn hóa của Chính phủ Nhật Bản trước đại dịch. Vào thời điểm đó, Nhật Bản luôn tăng cường các biện pháp nhằm thu hút nhiều du khách đến bảo tàng hay những điểm đến văn hóa. Nhật Bản thường nhấn mạnh khái niệm "bảo vật quốc gia" để khẳng định tầm quan trọng của văn hóa. Trong nhiều trường hợp, khái niệm này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều du khách Nhật Bản và tạo thêm động lực để tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật.

"Trong số các tài sản văn hóa quan trọng, một số bảo vật quốc gia hoặc hiện vật có giá trị cao thường được xem là bảo vật vô giá của quốc gia", tác giả Furuta Ryo viết.

Tất nhiên, việc lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật nào xứng đáng trở thành bảo vật quốc gia không phải là tùy ý. Các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ lập danh sách các ứng viên; danh sách này sau đó được thảo luận bởi Hội đồng Văn hóa, bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử văn hóa để đưa ra quyết định về bảo vật quốc gia hàng năm.

Việc chỉ định một tác phẩm trở thành bảo vật quốc gia sẽ là cơ sở để thúc đẩy quá trình bảo vệ tác phẩm đó khỏi bị hư hỏng, tẩu tán hoặc thất thoát cho đất nước do bị bán ra nước ngoài. Khi một tác phẩm nghệ thuật đã được chỉ định như vậy thường sẽ được bảo quản phù hợp và phải xin cấp giấy phép từ Bộ Văn hóa Nhật Bản trước khi được di chuyển. Chắc chắn sẽ không có bảo vật quốc gia nào có thể được bán ra nước ngoài.

"Sức mạnh mềm"

Trong những năm gần đây, thay vì chỉ tập trung vào bảo vệ các tài sản văn hóa, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược mới nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và sức mạnh mềm của các tài sản văn hóa bằng cách tăng cơ hội trưng bày các tài sản văn hóa trong nhiều triển lãm. Trong nhiều năm qua, những quy định nghiêm ngặt về thời gian trưng bày bảo vật quốc gia và các tài sản văn hóa khác: thường là không quá 60 ngày một năm.

Tuy nhiên, luật đã sửa đổi lại vào năm 2018, như một phần trong nỗ lực đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa hai mục tiêu là bảo vệ tài sản văn hóa của quốc gia và khai thác tiềm năng kinh tế từ khối tài sản này. Theo các quy định mới, các bức tranh sơn dầu và tác phẩm nghệ thuật được làm từ các vật liệu bền như đá và kim loại hiện có thể được trưng bày tới 150 ngày trong một năm.

Thông thường, danh hiệu "báu vật quốc gia" rất hữu ích theo một số cách, từ tái tạo cộng đồng khu vực đến phát triển du lịch và nỗ lực nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản. Vào năm 2021, Ban quản lý Bảo tàng Quốc gia Tokyo thậm chí đã đưa ra quyết định kéo dài thời gian mở triển lãm thêm một tuần để thu hút du khách đến chiêm ngưỡng những tài sản văn hóa quốc gia. Trong quá khứ, một quyết định như thế này là điều không tưởng. Đó là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong sự thay đổi từ bảo tồn tài sản văn hóa sang tối đa hóa giá trị kinh tế và giáo dục từ đó.

Vào năm ngoái, chủ đề bảo vật quốc gia đã trở thành tâm điểm chú ý khi một số tác phẩm từ Bảo tàng Bộ sưu tập Hoàng gia đã giành được danh hiệu này, bao gồm Dōshoku Sai-e (Vương quốc đầy màu sắc của chúng sinh) của họa sĩ thế kỷ 18 của cố tác giả Itō Jakuchū và bức tranh Karajishi-zu (Những con sư tử Trung Quốc) của cố tác giả Kanō Eitoku.

Phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định những vật phẩm được xem như "bảo vật quốc gia" và xem là "đặc biệt có giá trị vì tầm quan trọng lịch sử". Vào năm 1929, Luật Bảo tồn Bảo vật Quốc gia đã được sửa đổi thành Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa và hiện vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa ra đời đã tiếp sức cho Nhật Bản hướng tới mục tiêu là "cường quốc văn hóa".

Cuối thế kỷ 19 là thời điểm đầy thách thức đối với Nhật Bản về mặt văn hóa, và quốc gia này cuối cùng đã áp dụng chiến lược "bảo vệ văn hóa" để bảo tồn di sản truyền thống của đất nước trên thế giới . Khi Nhật Bản nỗ lực bắt kịp các cường quốc phương Tây về mặt ngoại giao và kinh tế thì chính phủ nước này cũng áp dụng luật pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn dòng chảy của các tài sản văn hóa ra khỏi đất nước. Đồng thời, thông qua việc xuất khẩu thích hợp các tác phẩm nghệ thuật và thủ công Nhật Bản, Chính phủ cũng muốn đưa văn hóa truyền thống vào sức mạnh quốc gia và khẳng định uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Việc chuyển từ các thuật ngữ cũ hơn như "cổ vật và tài sản văn hóa cổ đại" sang khái niệm "báu vật quốc gia" diễn ra từ cuối những năm 1880 và đầu những năm 1890. Hay chỉ định là "báu vật quốc gia" trong khi chúng vẫn thuộc về cùng một chủ sở hữu cho thấy năng lực quản lý văn hóa của chính phủ. Đây là thời kỳ trùng hợp với sự ra đời của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hiện đại.

Tính đến tháng 3 năm 2023, tổng cộng 13.377 tác phẩm nghệ thuật đã được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng ở Nhật Bản, trong đó có 1.132 bảo vật quốc gia. Con số này chỉ đại diện cho một tỷ lệ nhỏ các tác phẩm nghệ thuật có "giá trị cao từ quan điểm của văn hóa thế giới". Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu số lượng bảo vật quốc gia tiếp tục tăng đến vô tận thì có thể dẫn đến không có đủ nhân lực hoặc tiền bạc để xử lý khối lượng công việc liên quan đến việc bảo quản bảo vật.

Tác phẩm nghệ thuật gần đây nhất đã nhận được vinh dự trở thành bảo vật quốc gia là Takami Senseki zō (Chân dung của Takami Senseki), một bức tranh của tác giả Watanabe Kazan từ năm 1837.

Triển lãm Secrets of National Important Properties (Bí mật của các tài sản quan trọng quốc gia) đã được tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc gia Tokyo trong năm nay. Triển lãm quy tụ 51 (trong tổng số 61) tác phẩm hiện đại đã được chỉ định là "tài sản văn hóa quan trọng", bao gồm 17 từ bộ sưu tập vĩnh viễn của chính bảo tàng.

Trong bài viết, tác giả cho rằng hệ thống pháp luật của đất nước đang ngày càng phát triển để phục vụ hữu ích trong nỗ lực bảo tồn di sản nghệ thuật của Nhật Bản và khuyến khích sự công nhận rộng rãi hơn của công chúng đối với các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc./.

Hồng Nhung

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VH,TTDL - bvhttdl.gov.vn - Đăng ngày 29/06/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT