Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội chùa Tiên (Hòa Bình)

Cập nhật: 25/01/2024 14:40:04
Số lần đọc: 559
Chùa Tiên nằm trên địa bàn xóm Lão Ngoại, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). Hàng năm, lễ hội chùa Tiên khai hội vào mồng 4 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, là một trong những lễ hội lớn được khai hội đầu tiên của tỉnh. Đây là lễ hội truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của người Mường, đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách gần xa.

Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội chùa Tiên khai hội là lễ hội chung cho cả quần thể di tích xã Phú Nghĩa. Lễ hội chính diễn ra tại sân chùa Tiên, lễ rước tiến hành từ 4 điểm: đền Trình, đền Mẫu, nhà thờ sắc, đình Trung. Bên cạnh các đền, chùa Tiên có nhà thờ sắc mang nhiều giá trị quý. Tại khu di tích hiện còn giữ được 10 sắc phong (bản chính), trong đó có 5 sắc phong cho Thánh Tản Viên Sơn vào các năm 1853, 1880, 1887, 1909, 1924, sắc chỉ cho xã Nhượng Lão (nay là xã Phú Nghĩa) thờ phụng; 5 sắc phong còn lại sắc phong cho Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Nương cũng vào các năm trên và sắc chỉ cho xã Nhượng Lão thờ phụng.

Quần thể di tích chùa Tiên chứa đựng bề dày lịch sử, là nơi thờ các vị thần có công với làng với nước. Căn cứ theo nội dung các sắc phong thì các vị thần được thờ trong di tích gồm: Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Nam Hải tứ vị Thánh Nương. Căn cứ theo tư liệu điều tra khảo sát thực tế: đền Trình thờ tam vị Đức Ông; đền Mẫu thờ Mẫu tổ Âu Cơ; đình Trung thờ Đức Vua và Đức Thánh Ông. Việc tổ chức lễ hội chùa Tiên mang nhiều ý nghĩa: tạ ơn các vị thần đã có công với làng, với nước; cầu mong năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà yên vui, xóm làng thịnh vượng; để nhân dân có dịp bày tỏ lòng thành kính, lòng ngưỡng vọng đối với các vị thần; thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách gần xa.

Là người con quê hương Lạc Thủy, sinh sống xa quê nhưng năm nào bà Lương Thị Xuân, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) cũng về dự khai hội chùa Tiên. Bà Xuân chia sẻ: Tại lễ hội diễn ra các nghi lễ đặc sắc. Mở đầu là lễ rước kiệu tam vị Đức Ông từ đền Trình; rước kiệu Thánh Mẫu từ đền Mẫu; rước kiệu của vị thần thờ trong đình từ đình Trung; lễ và dâng hương tại chùa Tiên. Cùng với những nghi lễ trang nghiêm, chúng tôi được tham gia phần hội, hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của bà con Lạc Thủy mến khách. Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian của người Mường như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh mảng, trình diễn nghệ thuật chiêng Mường, hát dân ca Mường...

Thời gian qua, tỉnh và huyện Lạc Thủy đã có sự quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội chùa Tiên. Từ năm 2005, lễ hội chùa Tiên được tổ chức với các nghi thức, nghi trình cổ truyền được phục hồi. Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, hiện nay, quần thể di tích chùa Tiên là địa điểm gìn giữ và phát huy được tốt nhất các giá trị của di tích so với toàn tỉnh. Các yếu tố gốc hầu như còn gìn giữ được khá nhiều. Cơ sở vật chất các di tích ngày càng được cải thiện, nâng cấp. Đây là tư liệu gốc cho các nhà nghiên cứu về lịch sử địa phương, nghiên cứu về dân tộc học, là cơ sở để so sánh đặc trưng văn hoá của các dân tộc. Quần thể di tích chùa Tiên đã và đang là nơi thu hút đông đảo du khách đến hành hương, tham quan, nghiên cứu... Quần thể di tích chùa Tiên và lễ hội chùa Tiên là tài sản văn hoá quý báu của huyện, của tỉnh và của quốc gia cần được tôn trọng, gìn giữ nhằm khơi dậy, phát huy những tiềm năng văn hoá trong nhân dân, góp phần xây dựng, bảo tồn nền văn hoá truyền thống đặc trưng của dân tộc Mường lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Năm 2024, lễ hội văn hóa - du lịch chùa Tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội gồm một số hoạt động chính: lễ xin mở hội, lễ khai hội; chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian; thi đấu các môn thể thao dân tộc… Trong khuôn khổ lễ hội tổ chức hội chợ xuân dự kiến khoảng 20 gian hàng, với sự tham gia của các huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc... Lễ hội được tổ chức góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân; phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và tỉnh Hòa Bình.

Hương Lan

Nguồn: Báo Hòa Bình - baohoabinh.com.vn - Ngày đăng 04/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT