Hoạt động của ngành

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu - Nghệ An

Cập nhật: 28/02/2024 12:01:35
Số lần đọc: 643
Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Nghệ An, với 80% là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Người Thái ở Quỳ Châu hiện nay còn lưu giữ được nhiều giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là những cơ sở quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch từ các giá trị văn hóa. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.


Đặc trưng guồng nước người Thái ở Quỳ Châu

Văn hóa phi vật thể ở Quỳ Châu là tiếng nói - chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Cùng với đó, những danh thắng, di tích của vùng đất từng làm nên “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” cũng rất đa dạng. Đó là thác Khe Bàn, thác Khe Mỵ, Tạt Ngoi…; các di tích lịch sử, văn hóa, như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An, Làng thái cổ Hoa Tiến, Đền Chiêng Ngam (xã Châu Tiến), núi Bù Đằng (xã Châu Hội), di tích lịch sử mộ và cây táo đốc binh Lang Văn Thiết ở xã Châu Hội, Châu Nga…

Bản sắc văn hóa đậm nét, cùng với các di tích, danh thắng… đang được huyện Quỳ Châu xem là thế mạnh để phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu là 1 trong 3 khâu đột phá của huyện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã ban hành Chương trình số 10 về phát triển văn hóa, thể thao du lịch giai đoạn 2020-2025.

Qua 3 năm triển khai Chương trình, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Quỳ Châu đang ngày càng đi đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực.

Du khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến

Hiện nay, tiếng nói - chữ viết của người Thái ở Quỳ Châu là hệ chữ Lai tay được sử dụng hàng ngày với trên 80% tiếng nói đang giữ được tiếng DTTS. Nhằm lưu giữ và bảo tồn tiếng Thái, hằng năm huyện đã mời các nghệ nhân ưu tú tổ chức các lớp truyền dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc Thái (Lai tay) cho các em học sinh. Đối với cán bộ, công chức tham gia các lớp do Trung tâm GDTX tỉnh mở.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào thái. Đến nay vẫn còn nhiều bản đang giữ nhà thái (Hớn Tò quành). Nhà sàn có bếp củi, gác xép để lúa (Than), sảnh phơi đồ ( chan hó)… Các sinh hoạt hằng ngày như ẩm thực đồng bào thái, sản xuất rượu cần, men lá, chăn nuôi lợn cỏ, vịt bầu quỳ, bắt cá, thả lưới…cầu chúc bình an (Hăng vắn)…

Trong trang phục truyền thống, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các đơn vị quan tâm theo hình thức mặc vào các dịp lễ, tết. Đối với các trường học (giáo viên, học sinh nữ) sử dụng mặc trang phục vào ngày đầu tuần.

Vùng đất Quỳ Châu có lễ hội Xăng Khan, Hang Bua, Núi Phá Xăng (Châu Bính), Cầu Mùa (kí Khâu mờ), Kắm Phạ…, đang được huyện, các xã và bản bảo tồn và duy trì các giá trị tốt đẹp của các lễ hội mang lại, qua đó để tuyên truyền người dân, du khách thập phương đến để trải nghiệm và tham dự các hoạt động của lễ hội. Tại lễ hội các nội dung hoạt động được quan tâm các trò chơi dân gian (tọ lẹ, tung còn, nhảy sạp, khắc luống, đi kà kheo, bắn nỏ, thi viết chữ thái, thi ẩm thực, trình diễn nghi lễ Xăng Khan, liên hoan văn nghệ các điệu nhuôn xuối…).

Điệu khắc luống tại lễ hội Hang Bua

Trên địa bàn huyện đang có 1 câu lạc bộ văn hóa cấp tỉnh ở bản Hoa Tiến (Châu Tiến) hoạt động, ngoài ra còn có nhiều câu lạc bộ ở nhiều bản làng khác. Toàn huyện có 11 Nghệ nhân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Hằng năm huyện đã mời các nghệ nhân ưu tú tổ chức các lớp truyền dạy dân nhạc, dân ca, dân vũ, (xuối, nhuôn, khắp, lắm)…, các nhạc cụ truyền thống như Khèn, pì… 

Các CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng, hằng quý và định kỳ hằng năm tổ chức thi văn nghệ các câu lạc bộ, đơn vị văn hóa do huyện tổ chức. Đáng chú ý, Lễ Xăng Khan vẫn được các thầy mo thường xuyên tổ chức hàng năm như nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống, nguồn cội của dân tộc.

Cũng như ở một số vùng miền khác, người Thái ở Quỳ Châu có nghề trồng dâu, nuôi tằm thêu dệt thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh các hoạt động duy trì, bảo tồn nghề dệt ở các bản, làng; huyện có 2 HTX thêu, dệt thổ cẩm Hoa Tiến được duy trì. Sản phầm thổ cẩm Hoa Tiến từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, hình thức đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách và đã vượt núi vượt rừng đến với thị trường Tây Âu.

Theo kiểm kê, Quỳ Châu hiện có 23 tri thức dân gian, như tri thức trong chữa bệnh, ẩm thực… gắn bó trực tiếp với đời sống của nhân dân lao động. Nhiều bài thuốc chữa bệnh dân gian như chữa rắn cắn, chữa đau lưng, gẫy chân tay…; nhất là ẩm thực như cơm lam, canh ột… được nhiều người biết đến khi ghé thăm làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, hội thi ẩm thực tại lễ hội Hang Bua…

Bảo tồn bản sắc văn hóa như trang phục, nhạc cụ, lời hát... đang là cách để thu hút khách du lịch ở Quỳ Châu

Dân tộc Thái Quỳ Châu có nền văn học phong phú và đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ngợi ca công lao dựng bản, dựng mường. Trên hành trình phát triển của các bản làng gắn với đời sống lao động sản xuất, đã có những tác phẩm dân gian tiêu biểu ra đời, trở thành món ăn tinh thần của bà con như “Lái Lông Mương” “Lái Khủn Chướng” “Lái Nộc iêng”… Những bài hát này đã được phát huy giá trị, được phục dựng qua các hoạt động văn hóa văn nghệ và trình diễn như Hát (Hắp), Khóc (Hay phí), Múa (Txạ) phục vụ những ngày lễ của địa phương và tham gia tại Tỉnh.

Trên hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS Quỳ Châu gắn với phát triển du lịch, đã có nhiều hạng mục văn hóa, di tích trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp. Đó là xây dựng các điểm tham quan gồm Bảo tàng văn hóa các dân tộc, du lịch cộng đồng Hoa Tiến, Hang Bua - Đền Chiêng Ngam, Thác Khe Bàn, Thác Đũa, khu sinh thái Tạt Ngoi, Khu sinh thái Vườn Thỏ, Mộ đốc Binh Lang Văn Thiết…

Trên cơ sở này, địa phương đã phối hợp Sở Văn hóa thể thao, lập dự án xây dựng Bảo tàng các dân tộc Miền Tây Nghệ An và dự án xây dựng làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, Mộ đốc binh Lang Văn Thiết…; Việc xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, với 10 homesaty đã là điểm nhấn trên hành trình mời gọi khách du lịch. Chỉ tính trong năm 2023, huyện Quỳ Châu đón khoảng 16.000 lượt khách; trong đó có 1 số khách Quốc tế, doanh thu ước đạt gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tìm hiểu từ thực tế cho thấy, khó khăn hiện nay trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở Quỳ Châu, là một số di sản phi vật thể ngày bị mai một, thiếu người truyền dạy, thiếu kinh phí sưu tập phục dựng; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; các sản phẩm du lịch đơn điệu về hình thức, chất lượng dịch vụ chưa cao…

Địa phương mong muốn, UBND tỉnh cần có ý kiến đề xuất Chính phủ bổ sung thêm nội dung chi trong thuộc Dự án 6 về “Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể” để có cơ sở tổ chức lớp cho các nghệ nhân trong công tác truyền dạy “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 27/02/2024

Cùng chuyên mục