Hoạt động của ngành

Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang): Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 21/07/2010 09:55:56
Số lần đọc: 4366
Sơn Dương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nhất là du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái. Nơi đây có 130 điểm di tích lịch sử, trong đó có 18 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 30 di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh. Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào đang được tỉnh đề nghị đưa vào hệ thống các Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia.

Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào nằm ở địa hình thấp, xung quanh được bao bọc bởi những khu rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ, phía Đông Bắc, tiếp giáp với dãy núi Hồng, có dòng suối Khuôn Pén chảy xuống điểm di tích lịch sử Đồng Man - Lũng Tẩu tạo nên những thác nước nhiều tầng. Đến đây, du khách vừa được tham quan các di tích lịch sử cách mạng, vừa được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, ngắm hoa phách tím. Nơi đây còn có hang đá Yên Thượng (Trung Yên) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lịch sử - sinh thái. Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, để đưa vào hệ thống các Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Quốc gia.


Điều kiện tự nhiên của Sơn Dương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái. Với hệ thực vật phong phú, nguồn nước dồi dào tạo nên những thác nước tuyệt đẹp ở các xã Hợp Hoà, Đông Lợi, Đông Thọ… Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ở Sơn Dương nhiều dấu tích cổ xưa như Di tích bãi đá cổ tại thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, thôn Hữu Vu, xã Đại Phú, di chỉ cư trú của con người thời Hùng Vương tại thôn Phố Giò, xã Thiện Kế. Cùng với những lễ hội độc đáo, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Mông… tạo nên những lợi thế riêng để thu hút khách du lịch về với Sơn Dương.


Tỉnh đã quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào, đầu tư bảo tồn làng văn hoá dân tộc Tày tại thôn Tân Lập (Tân Trào) gắn với phát triển du lịch. Huyện Sơn Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử gồm cụm di tích lịch sử Nà Lừa, cụm di tích lịch sử Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ, dựng bia tại cụm di tích lịch sử Đồng Man - Lũng Tẩu, cụm di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành. Huyện đã tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Bước đầu đã có một số công ty TNHH khảo sát, quy hoạch thác Đồng Phai, xã Hợp Hoà, Khu dịch vụ - thương mại và du lịch tại tổ nhân dân Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương.

Hàng năm, huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử (Hà Nội), Công ty Du lịch, Công ty lữ hành tại Hải Phòng, Hà Nội mở, nối các tuyến, tua du lịch liên huyện, liên tỉnh. Huyện cũng đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, mây, giang đan cho người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, bước đầu đã tạo được một số sản phẩm hàng hoá đặc trưng của địa phương, tổ chức cho đại diện của 13 hộ gia đình tại Làng văn hoá Tân Lập đi tham quan Làng văn hoá Mai Châu (Hoà Bình) để học tập mô hình phát triển du lịch nhân dân. Sưu tầm một số đồ dùng sinh hoạt truyền thống, dụng cụ lao động của các dân tộc thiểu số trong huyện để trưng bày, giới thiệu với du khách.

 

Mặc dù Sơn Dương có những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút khách du lịch và tạo ra doanh thu lớn cho huyện. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phân bố rải rác, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Ngoài các điểm, cụm, khu di tích lịch sử đã được quy hoạch, những nơi được thiên nhiên ban tặng tiềm năng về du lịch sinh thái chưa có sự đầu tư, tác động tích cực để phát triển du lịch.


Các sản phẩm hàng hoá, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào cũng chưa thu hút được du khách. Các sản phẩm, hàng lưu niệm của địa phương chưa phong phú.

 
Sơn Dương còn tổ chức hội thi làm các sản phẩm du lịch độc đáo để lựa chọn, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, tiện nghi, hấp dẫn với khách du lịch. Huyện cũng tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường 2B từ thị trấn Sơn Dương đi xã Ninh Lai. Đồng thời, sẽ có cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thu hút, mời gọi những “Mạnh thường quân” là các doanh nghiệp có nguồn lực lớn về tài chính đầu tư các dự án tại Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào, điểm du lịch sinh thái tại các xã, thu hút xây dựng các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí để những tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” này thực sự được “gõ cửa”, mang lại lợi nhuận cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.  

 

Nguồn: website báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục