Hoạt động của ngành

Bắc Bình (Bình Thuận): Di tích văn hóa song hành với phát triển du lịch

Cập nhật: 08/07/2010 10:00:26
Số lần đọc: 2364
Song hành với quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua, hoạt động du lịch của huyện Bắc Bình từng bước khẳng định vị trí của mình. Trong tương lai, dự kiến từ 2 – 5 năm nữa sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện. Do vậy, du lịch phải gắn liền với các di tích văn hóa lịch sử vật thể, phi vật thể và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Các di tích gắn với lịch sử của dân tộc đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia như lăng Pô Nít, đền PôKlong Mơnai, kho mở Hoàng tộc Chăm, đình Đông An, đình Xuân Hội, đình Xuân An và các đền, miếu lịch sử khác trong huyện. Đồng thời, khách tham quan du lịch cũng được xem các lễ hội truyền thống văn hóa phi vật thể của các dân tộc hết sức độc đáo như lễ hội Katê của dân tộc Chăm, lễ hội cầu an của người Nùng, lễ hội đầu lúa của người Rắclay và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của các dân tộc. Đến Bắc Bình du khách còn tham quan các danh lam thắng cảnh mang dấu ấn lịch sử như hòn Nghề, hòn Hồng, đập Đồng Măng, đập Đồng Mới, hồ PícXin, hồ Cà Giây… di tích bàu Ông, bàu Bà và các di tích lịch sử gắn với hai cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân Bắc Bình.

 

Trong điều kiện xã hội hiện nay, sinh hoạt văn hóa giữa các cộng đồng các dân tộc được mở rộng, dẫn đến việc giao lưu văn hóa, tìm hiểu văn minh giữa các vùng miền, giữa các dân tộc trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với tất cả các tầng lớp dân cư. Do đó, du lịch ngày nay không còn là hình thức nghỉ ngơi giải trí mà nó luôn bổ sung trí thức, đời sống tinh thần cho con người. Đó cũng chính là nội hàm về du lịch văn hóa. Huyện Bắc Bình cần phối hợp các ngành có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch và xây dựng phương án khảo sát, khai thác các điểm du lịch tại Bình An, Phan Điền, Phan Sơn, Phan Lâm, Lương Sơn trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Vấn đề đặt ra ở đây, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần có những thống nhất, chỉ đạo nhịp nhàng, phối hợp cùng các huyện, thị, thành phố, để có những sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn theo hướng phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu các di tích lịch sử danh lam thắng cảnh đẹp nhằm tăng tính hấp dẫn của các di tích lịch sử, thu hút nhiều khách tham quan du lịch bên cạnh đó thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội tại các khu di tích lịch sử nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của dân tộc.

 

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của huyện Bắc Bình đang có chiều hướng phát triển, số lượng khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến địa phương có tăng. Các du khách thường tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu lịch sử văn hóa của địa phương, nhưng do không có nguồn nhân lực như thuyết minh viên hoặc thông dịch viên cũng như nhà nghỉ, khách sạn còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu để khách tham quan nghỉ dưỡng. Từ đó, chưa mang lại nguồn thu trong lĩnh vực này tuy nhiên chúng ta cần chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, thúc đẩy nhanh phát triển tiềm năng du lịch của huyện, cần khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để đầu tư phát triển vào các khu du lịch và phát triển khôi phục các làng nghề truyền thống thành các điểm tham quan phục vụ khách du lịch, tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm trong tỉnh và khu vực để quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương tập trung bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch về kỹ năng giao tiếp, nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân, kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động du lịch. 

Nguồn: website Bình Thuận

Cùng chuyên mục