Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Cập nhật: 24/05/2010 08:05:43
Số lần đọc: 2050
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc Việt Nam, nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều hang động kỳ thú, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc anh em với truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo và một bề dày lịch sử oai hùng. Đó là nền tảng, thế mạnh để phát triển du lịch địa phương. Song cho đến nay, các giá trị văn hóa (GTVH) vẫn còn mờ nhạt, chưa được phân loại rõ ràng để thực sự phát huy hiệu quả thực tế.

Pháp lệnh du lịch (DL) đã khẳng định: “DL là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung VH sâu sắc”. Có nghĩa là bất kỳ một GTVH nào cũng hàm chứa giá trị DL và có khả năng khai thác để đưa vào hoạt động DL. Ngược lại, bất kỳ hoạt động nào của DL cũng mang yếu tố VH sâu sắc. Do đó, sắc thái VH vùng, miền là tiềm năng to lớn để phát triển DL bền vững ở mọi quốc gia, mọi địa phương. Đây cũng là một quy luật và con đường phát triển, đa dạng hóa sản phẩm DL trên phạm vi toàn cầu.

    

Vậy sắc thái VH vùng, miền của Lạng Sơn bao gồm những gì? Đó là hệ thống các di tích lịch sử VH (Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, Mục Nam Quan...); các lễ hội (Lồng tồng, đền Kỳ Cùng, đền Mẫu...); các loại hình nghệ thuật (Hát Then, Sli, Lượn...); trang phục dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Hoa..); các loại đặc sản, ẩm thực địa phương (đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, lợn quay, khau nhục...); hệ thống hang động (Thẩm Hai, Thẩm Khuyên, Nhất – Nhị - Tam Thanh...) và các danh nhân VH đại diện cho nhiều lĩnh vực như: Thân Cảnh Phúc (Quân sự), Thân Công Tài (Thương nghiệp), Hoàng văn Thụ, Lương Văn Tri (đại diện cho ý chí, tinh thần cách mạng của đồng bào Lạng Sơn)... Qua đó, có thể thấy DL Lạng Sơn hội đủ các tiềm năng để xây dựng một nền tảng phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế, các GTVH đó chưa được phân loại rõ ràng. Hiện nay chỉ khai thác được một số chương trình DL lễ hội, mua sắm nên khách DL tập trung chủ yếu ở địa bàn thành phố và cửa khẩu. Các nhà kinh doanh DL chưa sản xuất được những chương trình DL về nguồn như: tham quan di tích khảo cổ Thẩm Hai-Thẩm Khuyên, khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn, về thăm quê hương anh hùng Lương Văn Tri... hay các chương trình DL ẩm thực, tìm hiểu bản sắc VH các dân tộc miền núi... Thêm vào đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tương ứng như: đường sá, điện nước, thông tin liên lạc, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... cũng chưa được đầu tư đúng mức. Toàn tỉnh hiện có 116 cơ sở lưu trú, 50 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng phần lớn tập trung ở thành phố, thị trấn Đồng Đăng và cửa khẩu Tân Thanh; vẫn thiếu các cơ sở vui chơi giải trí để thu hút và giữ chân du khách. Do đó, tỷ lệ khách lưu trú còn rất thấp, đa số là khách đi trong ngày, kéo theo mức chi tiêu ít nên doanh thu từ ngành DL chưa cao.

    

Từ lý luận đến thực tiễn phát triển DL ở một số địa phương cho thấy: nếu việc phân loại các GTVH được thực hiện tốt thì các nhà kinh doanh DL sẽ dễ dàng lựa chọn từng loại hình để sản xuất, đa dạng hóa các chương trình DL đưa vào lưu thông trên thị trường; các nhà hoạch định chiến lược, quy hoạch DL sẽ xác định chuẩn các vùng trung tâm, tuyến, điểm DL để xây dựng các dự án cụ thể, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư. Từ đó tạo cơ sở để những người làm công tác xúc tiến, quảng bá DL tiến hành các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, thu hút du khách đến tham quan và thẩm nhận các GTVH, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành DL địa phương.

    

Qua thực tế nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới các ban, ngành chức năng sẽ từng bước khắc phục khó khăn, quan tâm, chú trọng đầu tư khai thác các GTVH để phát triển DL, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đưa hình ảnh thiên nhiên và con người Xứ Lạng đến với du khách trong và ngoài nước, để các GTVH thực sự trở thành những sản phẩm có GT kinh tế làm giàu cho quê hương.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục