Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Chống chèo kéo khách du lịch

Cập nhật: 16/12/2009 08:12:01
Số lần đọc: 1492
UBND thành phố Đà Nẵng vừa yêu cầu Sở VHTTDL phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp, giải quyết dứt điểm tình trạng tài xế taxi, xích lô, người bán hàng bu bám, chèo kéo khách du lịch đang tái diễn tại một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố thời gian gần đây.

Quận Hải Châu là một trong những khu vực trung tâm của TP Đà Nẵng có nhiều điểm diễn ra tình trạng khách du lịch bị đeo bám khá thường xuyên. Cụ thể, tại các điểm đón khách du lịch tàu biển như quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương, Khách sạn Bamboo Green (đường Bạch Đằng), chợ Hàn luôn có khoảng vài chục người không chỉ chèo kéo khách mua hàng, mà còn lẽo đẽo, đeo bám theo khách vào shop, đặt giá với taxi, rồi buộc chủ shop, tài xế taxi phải trả tiền “cò”. Trong đó, không ít trường hợp đã xảy ra giằng co, cãi vã, gây mất an ninh trật tự và làm ảnh hưởng đến uy tín du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

 

Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Chi nhánh Saigontourist, Đà Nẵng: “Ở TP. Hồ Chí Minh cũng có chuyện chèo kéo bán hàng, nhưng việc cò mồi như ở đây là quá sức!”. Ông Lưu nêu ra giải pháp: “Trước mắt là nắm lấy những tay “trùm” chi phối hoạt động của đội ngũ cò và áp dụng các biện pháp cần thiết là sẽ giải quyết tốt vấn đề”. Ông Kiều Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu cũng đề xuất, yêu cầu Công an các phường thuộc quận nắm rõ danh sách, lý lịch, nơi cư trú của các đối tượng tham gia chèo kéo, cò mồi để răn đe nghiêm khắc. Nếu cần thiết, đề nghị Công an sử dụng camera, máy ghi âm, máy chụp ảnh lưu lại hình ảnh cò mồi, chèo kéo để có bằng chứng xử phạt theo các tội gây rối trật tự công cộng, cản trở người thi hành công vụ...

 

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng dẫn chứng: “Lấy kinh nghiệm ở Huế, 1-2 công an cắm chốt thường xuyên ở điểm du lịch, trong khi đó cảnh sát cơ động tuần tra, rảo quanh các tuyến phố và có biện pháp xử lý đối với những tay chèo kéo, cò mồi”. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Sơn cho rằng nên tổ chức thành các lô, quầy bán hàng để người lao động có việc làm, chấm dứt nạn chèo kéo khách. Cơ quan nhà nước phải vận động các shop bán hàng, tài xế taxi kiên quyết không trả tiền cò, nếu ai trả sẽ bị phạt; đồng thời, khi người cung ứng dịch vụ bị các tay cò gây phiền hà, họ có thể gọi cho đường dây nóng phản ánh hoặc báo với các cơ quan chức năng. Nhà nước và người bán hàng phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Ở nhiều nước khác, việc chèo kéo, cò mồi như vậy là làm mất thể diện quốc gia. Campuchia còn nghèo hơn ta, nhưng họ cũng không có tình trạng như vậy.

 

Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, do số lượng công an và bảo vệ trật tự tại các điểm trên khá ít và hoạt động chưa thật quyết liệt, hơn nữa khách du lịch đi khắp thành phố nên không lực lượng nào có thể theo suốt để kiểm soát tình hình.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó đội trưởng đội CSGT quận Hải Châu đề xuất cụ thể: “Để chấm dứt tình trạng taxi dù, taxi chèo kéo, chúng tôi sẽ đề xuất UBND thành phố đặt các biển cấm đỗ tạm thời vào những ngày khách tàu biển đến tại các ngã tư như sau:

 

Ngã tư Yên Bái - Hùng Vương; Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương hướng xuống sông Hàn; Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh hướng về chợ Cồn; Hùng Vương - Phan Châu Trinh hướng xuống Bạch Đằng.

 

Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Phạm Hồng Thái hướng về Phan Đình Phùng; Nguyễn Thái Học - Nguyễn Chí Thanh hướng về Phan Đình Phùng.

 

Ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thái Học hướng về Trần Quốc Toản; Nguyễn Thái Học - Phan Châu Trinh; Nguyễn Thái Học - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thái Học hướng về chợ Hàn.

 

Theo kế hoạch nói trên, mỗi khi có lịch tàu biển đưa khách du lịch vào thành phố Đà Nẵng, cần  phải thông báo cho địa phương, đơn vị để tăng cường lực lượng ở những nơi du khách dừng chân và tham quan.

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT