Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch cộng đồng ở Lào Cai: Ngày càng hấp dẫn du khách

Cập nhật: 10/12/2009 15:12:58
Số lần đọc: 3163
Bây giờ, khi đến Lào Cai, nhiều du khách lựa chọn những tour du lịch cộng đồng, bởi đây là loại hình sản phẩm hấp dẫn, tạo ấn tượng với những vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên, cùng bản sắc văn hoá của người bản địa.

Một ngày cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn dã ngoại trên con đường mòn tới thôn Cát Cát (Sa Pa). Dù lạnh giá đầu đông tràn về, nhưng không làm nản lòng nhiều du khách đến Sa Pa. Một cô bé người Mông tay vừa chỉ, miệng vừa nói tiếng Anh với đoàn khách du lịch đến từ đất nước mặt trời mọc. Hỏi được biết, em là Tả Thị Mẩy, dân tộc Mông, cư trú tại xã Tả Phìn đang trong vai trò hướng dẫn viên cho đoàn khách đi tour du lịch cộng đồng Cát Cát – Sín Chải – Sa Pa. Mẩy cho biết: Hầu như ngày nào em cũng dẫn khách đi các tour du lịch tới những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc sinh sống. Du khách, đặc biệt là người nước ngoài rất ưa chuộng loại hình du lịch này vì khi đi tham quan họ được ngắm cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, được tận mắt chứng kiến những phong tục, tập quán của đồng bào hoà mình trong không khí trong lành, cùng ăn, cùng ở với  người dân bản địa, để khám phá những điều mới lạ mà đất nước họ không có.

 

Nghề truyền thống.

Đến Sa Pa, khách du lịch có thể lựa chọn nhiều tuyến du cộng đồng: đi tham quan các tuyến Sa Pa – Ý Linh Hồ – Lao Chải -Tả Van; Lao Chải – Tả Van – Bản Hồ – Thanh Phú – Nậm Sài – Sa Pa, hay Sa Pa – Tả Phìn – Móng Sến – Tắc – Sa Pa… Mỗi tuyến du lịch cộng đồng đều mang những đặc trưng, sắc thái riêng, du khách được ngắm cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ. Khi dừng chân tại mỗi bản làng, người dân có thể cung cấp những dịch vụ khác nhau như: phòng trọ, nấu ăn, dẫn đường, hướng dẫn công việc nhà nông, hoặc bán những sản phẩm lưu niệm: thổ cẩm, đồ mây tre đan, các sản phẩm mỹ nghệ, hoặc biểu diễn nghệ thuật dân gian. Điều hấp dẫn du khách chính là vẻ đẹp nồng hậu, chất phác, giữ chữ tín của người dân ở các bản làng nơi đây.

Theo đánh giá tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) mới đây, thì trên 70% du khách quốc tế đến Sa Pa có nhu cầu tới thăm các bản làng của đồng bào dân tộc. Con số này đã phản ánh được phần lớn du khách nước ngoài đi du lịch Sa Pa để khám phá, tìm hiểu thiên nhiên và con người bản địa Lào Cai. Chính vì vậy, những năm qua, Lào Cai đã khai thác lợi thế, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và bản sắc văn hoá để phát triển du lịch cộng đồng.  Đến nay toàn tỉnh đã công nhận 9 tuyến du lịch bản làng, tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Bắc Hà và từng bước đa dạng hóa sản phẩm khi tổ chức khai thác thí điểm tại  Mường Khương và Si Ma Cai.

Không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hoá bản địa, du lịch cộng đồng còn  đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo. Từ năm 2006 đến nay, Lào Cai đã có trên 310.000 lượt khách đi theo tuyến du lịch cộng đồng, trong đó tập chung chủ yếu các tuor du lịch ở Sa Pa. Tại các bản làng ở Bản Hồ, Thanh Phú, Sín Chải, Tả Van... nhiều gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ kinh doanh lưu trú tại gia. Xã Bản Hồ là một điển hình, trước kia cuộc sống của đồng bào chủ yếu dựa vào nghề nông và chăn nuôi, từ khi du lịch cộng đồng phát triển, xã đã có 30 hộ đồng bào Tày, Mông đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, doanh thu mỗi năm đạt trên 400 triệu đồng. Hộ ông Đào A Son, xã Bản Hồ cho biết: “Khách du lịch nước ngoài rất thích đến thăm bản mình. Đến đây họ thường nghỉ lại một đêm ,hôm sau đi tiếp. Nhà có đồ ăn thì mời khách ăn uống. Khách thích tập làm nghề nông thì mình hướng dẫn. Mỗi năm gia đình cũng có thu nhập vài chục triệu đồng từ kinh doanh dịch vụ du lịch”.

Điều đáng ghi nhận, những bản làng có du lịch phát triển, tỷ lệ đói nghèo giảm hẳn. Làng Cát Cát, năm 2000 có tới 30% hộ đói nghèo, đến năm  2009 chỉ còn 11,6%; làng Sín Chải, năm 2000 có tới 68% số hộ đói nghèo, đến nay chỉ còn 36,3%.

Nhờ chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, Lào Cai đã và đang là điểm hấp dẫn để du khách đến tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, cùng nét đẹp văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa. Và đây cũng là mô hình phát triển du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục