Hoạt động của ngành

Thị xã Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch

Cập nhật: 10/12/2009 10:33:40
Số lần đọc: 3817
Là trung tâm kinh tế, chính trị - văn hoá, thị xã Hà Giang còn được coi là nơi giao lưu văn hoá giữa các huyện trong tỉnh. Được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như sông Lô, sông Miện chảy giữa thị xã, hai bên bờ có núi Cấm, núi Mỏ Neo bao bọc.

Trung tâm thị xã có Công viên cây xanh và Quảng trường 26/3 - nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với đồng bào rẻo cao Hà Giang và là vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Trong những năm qua, dịch vụ, du lịch của thị xã đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Công tác xúc tiến du lịch được đẩy mạnh thông qua các hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá về du lịch Hà Giang, đặc biệt về hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Những năm qua, thị xã Hà Giang đã cử nhiều đoàn cán bộ sang thăm và làm việc với huyện châu Văn Sơn (Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 bên hợp tác toàn diện hơn trong lĩnh vực khai thác du lịch, dịch vụ. Gần đây, khách du lịch có nhu cầu muốn tham quan du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm đã không ngừng tăng lên, đây chính là cơ hội để thị xã phát triển các loại hình du lịch này. Song thực tế, du lịch của thị xã hiện mới đang ở giai đoạn đầu, điểm xuất phát thấp. Vốn đầu tư cho du lịch ở mức khiêm tốn và chưa đồng bộ nên đã có những khu du lịch đã đầu tư nhưng còn kéo dài như Dự án du lịch Núi Cấm, Suối Tiên... Hiện trên địa bàn thị xã mới có 3 đơn vị kinh doanh lữ hành Quốc tế, bao gồm 1 chi nhánh và 2 doanh nghiệp nhà nước, với 49 cơ sở lưu trú du lịch của các thành phần kinh tế, trong đó có 6 khách sạn 1 sao, 1 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao và 30 khách sạn đạt các tiêu chuẩn tối thiểu...Nhìn chung, thị xã còn thiếu những khách sạn quy mô lớn, dịch vụ cao để đáp ứng nhu cầu của khách. Về khách du lịch, hàng năm ngoài khách trong nước, khách du lịch Quốc tế đến thị xã chủ yếu là từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu Thanh thuỷ bằng giấy thông hành biên giới, với lượng khách khoảng trên 30.000 lượt mỗi năm và phần lớn là khách tự do không đi theo chương trình của các đơn vị lữ hành nên rất khó cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch. Về các điểm và dự án đã, đang được đầu tư phục vụ cho du lịch bao gồm: Khu du lịch Bồng Lai, Khu du lịch thể thao Hà Yên, Suối Tiên, Núi Cấm... cùng các làng du lịch văn hoá dân tộc Tày thôn Tha, xã Phương Độ; Bản Tuỳ, xã Ngọc Đường và thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện. Ngoài ra còn có một số dự án mới đang trong giai đoạn lập dự án, triển khai đầu tư như: Dự án du lịch Núi Cấm, Dự án điểm vui chơi, giải trí Suối Tiên; Dự án Công viên du lịch sinh thái tổ 9, phường Quang Trung và Dự án khu du lịch sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học núi Mỏ Neo, điểm du lịch sinh thái Tây Côn Lĩnh - Thung lũng hoa đào khu vực Lậm Phiêng, xã Phương Thiện.


Xác định dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã những năm tới, BCH Đảng bộ thị xã đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2010 - 2015. Với mục tiêu tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên và nét văn hoá độc đáo của các dân tộc. Đồng thời huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện về dịch vụ, du lịch với hình thức vừa đầu tư vừa khai thác, đẩy mạnh phát triển đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, du lịch gắn du lịch với hoạt động dịch vụ như lễ hội văn hoá, lễ hội truyền thống trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 và định hướng đến năm 2020. Hiện thị xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể du lịch đối với trung tâm thị xã bao gồm: Khu du lịch Núi Cấm, Mỏ Neo, Suối Tiên và các làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Tày, đồng thời phối hợp với Phòng quản lý du lịch, Trung tâm Thương Mại và du lịch tỉnh xây dựng các tua, tuyến du lịch với các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn. Với mục tiêu phát triển du lịch của thị xã đến năm 2010 có tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm, doanh thu đạt trên 110 tỷ đồng và lượng khách đạt trên 300.000 lượt người, đến năm 2010 thị xã sẽ có từ 53 cơ sở lưu trú trở lên, trong đó có 2 hoặc 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, từ 3 - 5 khách sạn 2 sao trở lên, đạt 2 - 3 siêu thị. Phấn đấu 70% lao động trong lĩnh vực này qua bồi dưỡng đào tạo, đồng thời củng cố và khai thác có hiệu quả các làng văn hoá du lịch dân tộc Tày để thu hút khách du lịch và đẩy nhanh việc xúc tiến xây dựng hoàn chỉnh khu Trung tâm Hội chợ triển lãm đường 19 - 5, Khu dạo bộ lâm viên Hà Sơn để đưa vào sử dụng, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nâng cấp, xây dựng mới các nhà hàng, khách sạn, siêu thị phục vụ cho du lịch.

Để đạt được mục tiêu trên, cũng như khai thác có hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh du lịch, thị xã mong muốn tỉnh cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục tạo điều kiện, đầu tư về hạ tầng cơ sở để trong tương lai, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã mà còn là địa bàn quan trọng, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: website báo Hà Giang

Cùng chuyên mục