Tin tức - Sự kiện

Giữ gìn và truyền bá vốn âm nhạc dân tộc

Cập nhật: 07/12/2009 09:12:58
Số lần đọc: 1549
Với ý nghĩa giữ gìn và truyền bá vốn âm nhạc dân tộc, trong những năm qua phong trào Đờn ca tài tử -Cải lương (ĐCTT-CL) của tỉnh Bình Thuận luôn được duy trì phát triển. Không chỉ người Kinh hát đờn ca tài tử, mà người Chăm và các dân tộc anh em cũng đam mê và yêu thích môn nghệ thuật cổ truyền này.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin Bình Thuận cho biết: ĐCTT-CL đã và đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân Bình Thuận. Từ yêu thích thể loại đờn ca tài tử, nhiều người đã tự thành lập nhóm, câu lạc bộ để tập dượt và tổ chức giao lưu. Hàng năm, các nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử tham gia biểu diễn rất sôi nổi. Các giọng ca trẻ đầy triển vọng liên tục xuất hiện khiến phong trào ĐCTT-CL ở đây như được thổi thêm làn gió mới. Chính vì vậy, tỉnh đang khuyến khích thành lập nhiều nhóm ĐCTT-CL để giao lưu, học hỏi lẫn nhau.


Hiện Bình Thuận có hơn 30 câu lạc bộ ĐCTT-CL. Có được sự khởi sắc là nhờ sự đồng tình, tự nguyện của các nghệ nhân đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở các địa phương... nên phong trào ĐCTT-CL có thể nhân rộng, đáp ứng yêu cầu thiết thực phục vụ nhu cầu giải trí của người dân và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đặc biệt, các câu lạc bộ ĐCTT-CL ở xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình) do người Chăm đảm nhận phát triển tương đối mạnh. Theo ông Hòa, cái hay của người Chăm khi hát ĐCTT-CL là phát âm, nhả chữ, cách xử lý giọng trong quá trình hát rất chuẩn và chính xác. Nhiều diễn viên người Chăm có chất giọng tốt, nhiệt tình tham gia vào phong trào của địa phương, làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà không phải nơi nào cũng có.


Ngành Văn hóa thông tin tỉnh đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để tạo ra sân chơi cho các câu lạc bộ ĐCTT-CL, có hơn 150 hội viên hiện đang sinh hoạt từ các nhóm ở cơ sở và tại Trung tâm VHTT tỉnh, họ tham gia hoạt động để được học hỏi, muốn được tự thể hiện mình, đồng thời tích cực sáng tạo để đóng góp cho vườn hoa nghệ thuật của tỉnh nhà. Bước đầu đã có nhũng đóng góp tích cực trong việc biểu diễn phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số các dân tộc miền núi...


Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định của loại hình hoạt động này ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Những năm gần đây do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhiều loại hình văn hóa mới ra đời... nên một bộ phận các bạn trẻ thường tìm đến loại hình âm nhạc sôi động, phong cách trẻ... Vì vậy công tác đào tạo lớp kế thừa cho các nghệ nhân ĐCTT-CL lớn tuổi có phần khó khăn hơn./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT