Tin tức - Sự kiện

Yên Bái: Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc vùng Văn Chấn - Mường Lò

Cập nhật: 12/11/2009 14:11:01
Số lần đọc: 1792
Văn Chấn - Mường Lò là mảnh đất phía Tây của tỉnh Yên Bái với 31 xã, 3 thị trấn. Dân số hơn 14 vạn người (khoảng 28 nghìn hộ), phân bố không đồng đều trên một diện tích 1.223km2. Văn Chấn có 13 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có dân tộc Thái, Tày, Dao, Mông, Giáy, Khơ Mú, Mường, Hoa... (dân tộc thiểu số chiếm 65%).

Nhân dân các dân tộc nơi đây vốn giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết tương thân tương ái và đức tính lao động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương. Là huyện nhiều dân tộc nên Văn Chấn có một nền văn hóa dân gian cổ truyền phong phú, đặc sắc thậm chí rất đặc trưng, rất riêng tạo nên tính đặc thù vùng miền, đặc biệt là lễ hội dân gian.

 

Xuất phát từ trình độ nhận thức trong đời sống kinh tế - xã hội thể hiện ở trình độ canh tác còn yếu kém, người dân sản xuất còn phụ thuộc vào thiên nhiên luôn nghĩ đến, sự chở che phù hộ của đất trời, tổ tiên, bởi vậy, lễ hội có tác dụng rất lớn, hướng con người đi tới niềm tin, ước mong về một cuộc sống mới đủ đầy. Cũng xuất phát từ ý nghĩa nhân sinh đó mà người dân đã để lại trong đời sống tinh thần của họ một vốn quý văn hóa, thể hiện trong các lễ hội.
Nhận thức được điều này, ngành văn hóa Văn Chấn - Mường Lò không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và khai thác một cách có hệ thống những giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.

 

Gần 10 năm qua, mặc dù kinh phí phục vụ việc này còn hạn hẹp, nhưng ngành đã huy động được sức mạnh tổng hợp để sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội "Xên bản xên mường", "Hạn Khuống", "Cầu mùa", "Xíp xí" của dân tộc Thái ở các xã quanh lòng chảo Mường Lò; lễ hội "Cầu mưa", "Ma hạ gọ" (Rước mẹ lúa) dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn; lễ hội "Tăm khẩu mẩu", "Lồng tồng" của dân tộc Tày các xã Đồng Khê, Tú Lệ; lễ hội "Sải sán" (Hội chơi núi mùa xuân) của dân tộc Mông các xã vùng cao.

 

Mặc dù đã rất cố gắng và đầu tư nhiều thời gian, tiền của vào những việc trên, song thực chất so với những truyền thống văn hóa của các dân tộc thì những việc làm đó chưa được là bao. Bây giờ, nếu không có kế hoạch sưu tầm, phục dựng, bảo tồn tiếp thì còn nhiều lễ hội dân gian nữa có nguy cơ thất truyền hoặc mất dần bản sắc. Thực trạng này thể hiện ở chỗ: các nghệ nhân dân gian vốn đã có ít lại tuổi cao; một mai không còn họ, ai là người truyền dạy lại cho con cháu? Hiển nhiên, nhiều lễ hội vì vậy mà thất thoát mà biến dạng là điều khó tránh. Một điều nữa, là nhiều dân tộc sống đan xen, sự giao thoa sẽ diễn ra dẫn đến những yếu tố vay mượn. Lại nữa, nhiều lễ hội tồn tại nhưng đã loại bỏ nhiều thủ tục "rườm rà" hoặc làm lấy lệ không còn tính chất tôn nghiêm, bản sắc? Ở đây chưa nói đến có lễ hội mang nặng tính sân khấu, thương mại hóa...

 

Cuối cùng, nhiều cơ sở muốn phục dựng lại lễ hội truyền thống nhưng lúng túng, không biết khôi phục thế nào cho hợp với cũ - mới; với chính sách của Đảng, Nhà nước. Cho nên khi tổ chức, những lễ hội này thường pha trộn, cải biên, cách tân. Thậm chí có lễ hội chỉ nhằm mục đích quay phim, chụp ảnh hoặc nhu cầu nhất thời nào đó như phục vụ tuyên truyền, ngày lễ, hội chợ, du lịch, để rồi sau đó không bao giờ làm lại nữa.

 

Có thể lấy ví dụ: "Lễ hội "Tăm khẩu mẩu" (dân tộc Tày Đồng Khê), "Xên bản xên Mường", "Hạn khuống" (dân tộc Thái Mường Lò) hay lễ hội "Ma hạ gọ" (dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn); Hát "Phướn", hát "Vươn giáy" (hình thức hát giao duyên) của người Giáy xã Gia Hội, Hội "Gầu tào" (còn gọi là Sải sán) của người Mông các xã vùng cao. Và, đáng tiếc hơn nữa là cuối những năm 80 thế kỷ trước trở lại đây, Văn Chấn mất hẳn Hội xuân chơi hang Thẩm Lé - một lễ hội của tộc người Thái đen gắn với thiên nhiên, môi trường mà chỉ có ở nơi này.

 

Trước thực trạng trên, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc ở Văn Chấn - Mường Lò là hết sức cần thiết. Với tinh thần đó, chúng tôi xin được đưa ra một vài ý kiến.

Thứ nhất là, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phải khẳng định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc dân tộc là việc cần thiết, liên tục, thường xuyên.

 

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tôn trọng và ý thức bảo vệ bản sắc riêng của dân tộc mình; vấn đề là chọn lựa, cái gì bảo vệ, cái gì làm trước, cái gì dần dần bỏ đi, cái gì làm sau.v.v...

 

Một vấn đề nữa là có chính sách thoả đáng cho các chương trình, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đặc biệt là đầu tư phục dựng các lễ hội giàu tính nhân văn, mang đậm bản sắc dân tộc. Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đang sinh sống tại các vùng, miền nhất là cán bộ người địa phương.

 

Cuối cùng là nắm chắc, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ.

 

Hy vọng một vài suy nghĩ và cũng là giải pháp góp phần bổ sung để những ai quan tâm về vấn đề này có được sự thống nhất trong  công tác bảo tồn và phát huy lễ hội dân gian - những giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh nói chung, của vùng Văn Chấn - Mường Lò nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT