Non nước Việt Nam

Tây Nguyên - Mùa lễ hội

Cập nhật: 05/11/2009 13:11:03
Số lần đọc: 2209
Mùa lễ hội ở Tây Nguyên kéo dài suốt 3 tháng mùa khô: Tháng Chạp, Tháng Giêng, Tháng Hai. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Đây là lúc đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất”.

Lễ bỏ mả

 

Lễ bỏ mả hay còn gọi là lễ Pơ thi. Đây là lễ hội lớn của người Jrai và Bahnar. Người Jrai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng, sau khi chết, linh hồn sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Nhưng linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn với thế giới bên kia, mà sau một thời gian sẽ trở lại- tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Chính do quan niệm như vậy nên họ có cách ứng xử riêng với người chết, và có tục làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi. Chỉ sau lễ bỏ mả đó, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với cuộc sống, mới thực sự về với cội nguồn của mình, còn người sống thì được giải phóng khỏi mọi liên hệ với người chết.

 

Lễ bỏ mả là một trong những lễ hội mang sắc thái văn hóa độc đáo nhất của người Tây Nguyên, là cả một truyền thống ứng xử đầy tính nhân văn của người sống đối với người chết. Tiếng cồng chiêng trầm hùng, những điệu múa trang trọng lưu luyến, những ngôi nhà mồ uy nghi, những pho tượng mồ trầm tư đầy gợi cảm, những bữa ăn cộng cảm với những món ăn truyền thống, những bài cúng lâm ly tràn đầy chất văn nghệ dân gian… tạo nên bức tranh văn hóa sống động của lễ hội bỏ mả, góp phần cùng với những lễ hội khác tô điểm cho bức tranh văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc, vô cùng độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn một cách kỳ lạ.

 

Lễ đâm trâu

 

Lễ đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa… Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống xa xưa của người Tây Nguyên. Lễ hội thường tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Ngày đầu tiên, tiếng cồng chiêng nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự và hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.

 

Lễ hội đâm trâu là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Nếu đỉnh cao của lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu thì những âm thanh, những điệu múa, lời ca, sự hiện diện cao vút lên không trung của cột đâm trâu chính là linh hồn của lễ hội. Ý nghĩa của lễ hội đâm trâu còn được phản ánh qua không khí linh thiêng, đậm chất núi rừng linh ứng, khi vị chủ lễ thông báo tình hình buôn làng trong năm, cầu mong sự phù hộ của các vị thần linh, ma quỷ về dự lễ, chứng giám cho tấm lòng của dân làng. Hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng là sự cổ vũ của dân làng. Những chàng trai tay lao, tay giáo nhảy xung quanh con trâu. Trong những ngày lễ, tiết mục đâm trâu chính là phần không thể thiếu, nó thể hiện rõ tính chất của lễ hội.

 

Không khí buổi lễ không hề lắng xuống sau lễ đâm trâu. Lúc này cả làng quây quần bên ghè rượu cần, bên những mâm thịt, cùng nhau nhảy múa, ăn uống quanh đống lửa tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh. Lễ hội toát lên một cách đầy đủ nhất những sắc thái đặc trưng văn hóa tộc người, thể hiện tính cộng đồng trong sự cộng hưởng: Cầu mùa, cầu an, cầu phúc...

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT