Non nước Việt Nam

Lễ mừng thọ người Jrai (Gia Lai): Bền lâu một nét đẹp văn hóa

Cập nhật: 02/11/2009 09:11:37
Số lần đọc: 2197
  Tôn trọng người già và cầu chúc sức khỏe cho nhau là một nét đẹp văn hóa hầu như dân tộc nào cũng có và đều ra sức gìn giữ. Ngày Tết cổ truyền, ngày sinh, nhất là sinh nhật người lớn tuổi, các dân tộc thường tổ chức lễ mừng tuổi, mừng thọ trang trọng. Sống trên dải đất cao nguyên rộng lớn, có một bề dày và tầm cao văn hóa nhất định, người Jrai vẫn duy trì nét đẹp truyền thống quý báu này.

Ý nghĩa sâu xa của phong tục mừng thọ là tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục, ông bà, tổ tiên. Đặc biệt trong sự hàm ơn của mình, dân tộc Jrai tỏ rõ sự nâng niu dòng sữa mẹ ngọt ngào. Có lẽ do trình độ phát triển thấp, do cuộc sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên dòng sữa mẹ là yếu tố vật chất, là điều kiện tối quan trọng và thiêng liêng cho sự tồn tại và phát triển, lớn khôn của một con người, một đời người. Theo một số cụ cao tuổi, ngày trước, người con cả tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ trước, sau đó đến lượt những người con kế tiếp.

 

Tất nhiên phong tục này cũng được tổ chức vào thời gian dành cho lễ hội- tức từ tháng 11 cho đến tháng Giêng năm sau, sau khi lúa thóc đã vào kho. Nghi lễ được tổ chức bởi một thầy cúng (pơ giâu) và hai phụ lễ (tlao đinh). Lễ vật thường là một con trâu hay con heo nặng đến 1 tạ, 1 ghè rượu và 1 con gà, diễn ra theo một thứ tự nhất định và ở gian giữa ngôi nhà. Đầu tiên, sau khi giết thịt trâu, heo, gà, người ta bày thịt ra một cái nong; lấy tim, cật, gan, tiết đổ chung vào một cái bát đem đặt cạnh ghè rượu gốc, tiếp đó là những ghè rượu của các con, đầu tiên là của người con cả, rồi ghè rượu của họ mạc, cứ thế xếp thành hàng dài về phía Tây. Trong ngày lễ này, họ hàng còn mang theo nhiều lễ vật mừng thọ khác nữa, nhiều nhất là ché rượu.

 

Khi lễ vật và đồ cúng đã chuẩn bị đầy đủ thì cũng là lúc lễ mừng thọ bắt đầu. Thầy cúng ngồi trước ghè rượu gốc và lễ vật; ngồi cạnh là người được tổ chức mừng thọ. Thầy cúng chậm rãi rót rượu ra bát rồi khấn: “Hỡi Yàng, thần núi, thần sông, thần cho hạt kê, hạt lúa... mau về chứng kiến lễ mừng thọ (kể tên người được mừng thọ), chứng kiến lòng thành của con cháu. Các thần hãy về mà ăn gan gà, thịt trâu, thịt heo, uống rượu cùng gia đình và họ hàng gần xa. Mong các thần hãy xua đuổi tà ma, dịch bệnh cho cây lúa, cây kê sai bông trĩu hạt, cho người già sống lâu, sống khỏe... Hỡi Yàng, hỡi thần...”. Khấn xong, thầy cúng đổ rượu 3 lượt lên chân người được mừng thọ. Tiếp đó, người được mừng thọ uống liền 3 cang ở ghè rượu gốc, vì theo quan niệm không uống “đứt” 3 cang thì không thể trở thành người khỏe mạnh, sống lâu.

 

Tuy vậy vẫn có sự linh động cho phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của người được mừng thọ. Khi người được mừng thọ uống những cang rượu đầu tiên thì đến lượt thầy cúng, người lớn tuổi, trước khi tới đám con cháu. Sau đó thì tất cả cùng ăn uống và hát múa với nhau. Thường thì phong tục này diễn ra trong 2 ngày: Ngày đầu thì cả gia đình, dòng họ, dân làng cùng chung vui, nhưng ngày thứ hai thì chỉ có những người trong gia đình, và bây giờ mới ăn tới phần thịt đầu heo, trâu đã đem giết thịt làm lễ.

 

Dù không giống nhau nhưng lễ mừng thọ của người Jrai cũng như các tộc người khác trên Tây Nguyên đều có cùng ý nghĩa: Biết ơn và tôn vinh cha mẹ, người lớn tuổi, ông bà, tổ tiên. Ngày nay trên khắp Tây Nguyên, cùng với nhiều lễ hội: Pơ thi, đâm trâu, cồng chiêng, tra hạt, trưởng thành, thổi tai,... lễ mừng thọ vẫn duy trì như một sự tiếp nối truyền thống ngàn đời, tỏ rõ sức sống mãnh liệt của văn hóa bản địa Tây Nguyên.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT