Hoạt động của ngành

Điểm nhấn du lịch Ninh Bình

Cập nhật: 22/10/2009 14:10:15
Số lần đọc: 2897
Đã từ lâu Ninh Bình được biết đến là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh như Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, rừng nguyên sinh Quốc gia Cúc Phương...

Nhưng về Ninh Bình giờ đây du khách sẽ ngạc nhiên hơn về sự phát triển vượt bậc của việc khai thác đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch tâm linh, du lịch văn hoá, lễ hội, và nhiều khu, điểm du lịch mới như Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch Kênh Gà, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái và sân gold 54 lỗ hồ Yên Thắng, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long… Mỗi loại hình có sự kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo riêng, đang dần đưa Ninh Bình thành một trung tâm du lịch của cả nước, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Năm 2008, lượng khách đến tham quan, du lịch tại Ninh Bình đạt 1,9 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt trên 160 tỷ đồng. Đặc biệt là từ đầu năm 2009 đến nay, sự xuất hiện của Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đã thu hút lượng khách đến thăm quan, chiêm bái tăng đột biến. Chín tháng năm 2009, lượng khách đến Ninh Bình đạt 1,8 triệu lượt khách, bằng 76,2% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 176 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ. Với tiềm năng và sự tăng trưởng nhanh của ngành Du lịch, năm 2009 đã đánh dấu nhiều nét mới trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, sự quan tâm chú trọng phát triển du lịch của tỉnh.

Dấu ấn đầu tiên là Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết ra đời có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện du lịch tỉnh nhà có bước phát triển nhanh như hiện nay. Với những giải pháp đồng bộ, đúng và trúng, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, về đầu tư hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quản lý, phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch; vấn đề chuẩn hoá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; nâng cao ý thức cộng đồng và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch… sẽ thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời cũng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển như nông, lâm, thuỷ sản, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, bưu chính viễn thông…

Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là phấn đấu đến năm 2015, du lịch Ninh Bình đón 3 triệu lượt khách/năm trở lên, doanh thu đến năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng, từ năm 2020 trở đi chiếm trên 10% GDP toàn tỉnh. Hiện các cấp, ngành, các đơn vị trong toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn được xây dựng, chỉnh trang, tu bổ tạo diện mạo hoành tráng, ấn tượng như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, không chỉ đem lại lợi ích thiết thực để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh mà còn là những công trình phục vụ đắc lực trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.

Đặc biệt, tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ngay quy hoạch khu dịch vụ khách sạn cao cấp tại thành phố Ninh Bình. Điều này khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, thiếu vắng những khách sạn cao cấp trên địa bàn, nâng cao khả năng lưu trú, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách đến tham quan, tăng nguồn thu du lịch và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Khu dịch vụ khách sạn cao cấp được quy hoạch tại phường Ninh Khánh với trên 22 ha, chia thành 8 lô, lô có diện tích rộng nhất trên 21.000 m2. Trong tổng thể của dự án, mật độ xây dựng từ 25- 45% diện tích lô đất, số tầng từ 8 - 25 tầng, tạo sự thông thoáng và là điểm nhấn cho trung tâm thành phố.

Việc thu hút đầu tư đang được thực hiện với nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, khu dịch vụ khách sạn cao cấp có một số dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư như Dự án xây dựng khu nhà hàng ẩm thực và vui chơi giải trí cao cấp của Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Du lịch Minh Thiết, tổng vốn đầu tư 177 tỷ đồng, quy mô công suất phục vụ 350 nghìn lượt người/năm; Dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch cao cấp Thanh Hải, tổng vốn đầu tư trên 209 tỷ đồng; Dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Toàn Cầu với tổng vốn đầu tư 579 tỷ đồng…

Nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề quan tâm trong việc phát triển du lịch của tỉnh. Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ du lịch như đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên, quản lý nhà hàng, khách sạn… đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ, sức hút của sản phẩm du lịch. Năm nay, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn kinh phí, liên kết tổ chức đào tạo khoá đầu tiên ngành hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nấu ăn, lễ tân… cho gần 300 người, (ưu tiên những người có hộ khẩu Ninh Bình) tại Trường Đại học Hoa Lư, nhằm cung cấp cho ngành Du lịch một lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ.

Bên cạnh việc đào tạo chính quy, ngành Du lịch còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, các lớp ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp… cho cán bộ quản lý, nhân viên ở các Ban, Trạm quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn như Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Trạm quản lý khu du lịch Vân Long, Khu di tích Cố đô Hoa Lư; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng về xây dựng nếp sống văn minh văn hoá trong du lịch cho người dân các địa phương tham gia hoạt động bán hàng, chụp ảnh, chèo đò, lễ tân… ở các danh lam thắng cảnh, các nhà hàng, khách sạn. Qua đó, góp phần tích cực làm chuyển biến trong phong cách, thái độ và ý thức phục vụ khách du lịch. 

Trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của các ngành các cấp, tin tưởng rằng ngành du lịch sẽ tiếp tục bứt phá, khai thác thế mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thu hút ngày càng nhiều khách lưu trú, đẩy mạnh hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch..., xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục