Tin tức - Sự kiện

Thừa Thiên Huế: Bảo tồn di sản tư liệu cố đô

Cập nhật: 08/10/2009 09:10:47
Số lần đọc: 1023
Việc UNESCO công nhận, tôn vinh mộc bản nhà Nguyễn (1802-1945) là di sản tư liệu và được xếp vào danh mục Chương trình “Ký ức thế giới” vào đầu tháng 8 vừa qua một lần nữa cho thấy những giá trị vô giá tàng ẩn trong vốn thư tịch cổ Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác sưu tầm, bảo tồn vốn di sản này tại cố đô Huế đang gặp không ít trở ngại khi phần lớn mộc bản đã bị mối mọt gặm nát hoặc những “tay săn đồ cổ” có ý đồ chiếm dụng.  

Mộc bản: Quốc bảo triều Nguyễn

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán- Nôm ngược, in thành sách. Mộc bản thường làm bằng gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo, gỗ nha đồng (còn gọi là cây sống mật) là những loại gỗ có đặc điểm màu trắng, thớ gỗ mịn, không cong vênh.

Theo nhà nghiên cứu Huế, Hồ Tấn Phan, xưa kia, các vua Nguyễn chủ trương, chiếu dụ của nhà vua hay sách quốc sử, sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí các tác phẩm thơ ca nổi tiếng của nhà vua, kinh Phật đều được khắc lên gỗ để lưu trữ. Vì lẽ đó, thời nhà Nguyễn, mộc bản được coi là quốc bảo và chỉ những người có thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc.

Nhà nước đã đầu tư trên 50 tỷ đồng để xây dựng kho tàng, tủ đựng và điều hòa nhiệt độ bảo tồn 34.555 tấm mộc bản triều Nguyễn theo tiêu chuẩn quốc tế tại kho chuyên dụng Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). Trong khi đó, hàng ngàn tấm mộc bản đang tồn tại ở Huế đang bị thất truyền do không được quản lý khoa học và cẩn trọng.

Tại di tích văn hóa phủ Tuy Lý Vương nằm trên đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế, hiện còn lưu giữ 195 mộc bản. Trong đó, bản khắc bộ Vĩ Dạ hợp tập có 174 bản (14 mộc bản 1 mặt và 160 mộc bản 2 mặt) của Tuy Lý Vương, một nhà thơ cận đại nổi tiếng, con trai thứ của vua Minh Mạng.

Theo Nhà nghiên cứu Trần Nghĩa, Vĩ Dạ hợp tập là tác phẩm thu thập đầy đủ văn thơ của Tuy Lý Vương với tổng số 1.030 trang, trong khi đó số mộc bản hiện tại ở phủ chỉ còn 334 mặt mộc bản, tương đương với 668 trang. Điều này có nghĩa là số mộc bản khắc bộ Vĩ Dạ hợp tập đã bị thất truyền 362 trang.

Thời gian qua, do tác động thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu quan tâm, thờ ơ của cơ quan chức năng hay khó khăn về kinh tế, sự thiếu hiểu biết của những người bảo vệ các phủ đệ mà hàng ngàn mộc bản có niên đại hàng trăm năm như: mộc bản khắc ghi bộ kinh về Hưng Đạo Đại vương - lời kinh được chép từ Đền Ngọc Sơn, Hà Nội; các tác phẩm: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn ngoại tập là những tập thơ gần với thơ Đỗ Phủ nhà Đường... đứng trước nguy cơ biến mất trước tình trạng mối mọt tấn công hay những tay săn buôn đồ cổ có ý đồ chiếm dụng. 

Bảo tồn mộc bản ở cố đô

Sự tồn tại của những tấm mộc bản còn lại ở Huế cho thấy sự đa dạng về đời sống tâm linh hay sinh hoạt đời thường bên ngoài Tử cấm thành Huế thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn. Bởi, nét đặc biệt trong thơ ca Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương là phản ánh hình ảnh người nông dân lao động cực khổ, sưu cao thuế nặng của Vương triều; làm cho họ đã cơ cực lại càng cơ cực rách nát hơn. Ngoài ra, thơ ca của hai vị Vương này cũng thường đề cập đến “chữ tình”. Tình đối với thiên nhiên, tình đối với mùa xuân, với cây lá, với chồi non lộc mới; nhất là chữ tình giữa con người đối với con người, bạn bè, anh em…

Theo ông Huỳnh Đình Kết, Giám đốc Nhà bảo tàng Huế, giá trị mộc bản không đơn thuần là tư liệu gốc mà nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc. Cụ thể, mộc bản còn chứa đựng tất cả tâm huyết của người thợ khắc chữ trên gỗ. Mỗi chữ Hán - Nôm trên những tấm ván được khắc rất tinh xảo, cầu kỳ, sắc nét đã thể hiện tài năng người thợ chạm khắc thời đó. Do vậy, việc trùng tu, bảo tồn mộc bản là điều cần làm ngay tại Huế.

Nguồn: SGGP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT