Tin tức - Sự kiện

Tôn vinh làng nghề truyền thống và nghệ thuật ca trù

Cập nhật: 05/10/2009 15:10:31
Số lần đọc: 858
Hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức Triển lãm Tôn vinh làng nghề truyền thống và Liên hoan Câu lạc bộ ca trù 2009 từ ngày 6 đến 10/10 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam,  Số 2 Hoa Lư (Vân Hồ) Hà Nội.

Phần triển lãm gồm có: Khu tôn vinh các làng nghề truyền thống Hà Nội giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu độc đáo của các nghệ nhân,  thợ giỏi Hà Nội thuộc các nghề: chạm gỗ, gốm, thêu, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, đúc đồng, khảm tam khí, mây tre, dát vàng bạc, đá quý, dệt lụa... Bên cạnh trưng bày sản phẩm còn có gần 40 bức ảnh về các làng nghề truyền thống xưa và nay, màn hình phát hình ảnh nghề truyền thống. Một gian riêng trưng bày cổ vật từ các làng nghề truyền thống với khoảng 400 cổ vật theo các nhóm: đồ đồng (rìu, giáo, mũi tên, ấm, âu, bình, tượng...) đồ gỗ chạm khảm, sơn son thếp vàng (kiệu, ngai, cuốn thư, hoành phi, câu đối...). Triển lãm dành một diện tích lớn giới thiệu các làng nghề truyền thống của Hà Nội: Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, Hà Ðông; Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Làng nghề gốm Bát Tràng; Làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ, Gia Lâm,  tập trung phục dựng năm không gian sinh hoạt văn hóa và sản xuất của làng nghề từ truyền thống tới đương đại. Giới thiệu nét đặc trưng nhất của làng nghề qua hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú... Triển lãm còn trưng bày các sản phẩm: dệt cổ truyền nổi tiếng: vân, the, sa, lụa với mẫu mã, hoa văn đa dạng, bức đại tự, bàn ghế, sập tủ, bình phong, đồ trang sức, đũa, khay lọ được khảm trai, lọ, đĩa đan mây, tranh mây, các sản phẩm gốm giả cổ, gốm mới, sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc, đồ sơn thếp... Ngoài ra còn trưng bày một số thiết bị làm nghề: máy dệt lụa, khung hồ, khung mắc dọc, cây guồng tơ, máy hỗ trợ khắc la-de, dụng cụ búa, đe đập diệp, búa đánh quỳ, bể nấu vàng bạc... giới thiệu các nguyên liệu làm nghề: vỏ trai, vỏ ốc, mảnh xà cừ, sơn ta, giấy giáp, vôi, bột gạo, vàng, bạc, keo da trâu, giấy dó lụa và một số dòng men đặc trưng của gốm Bát Tràng: men rạn, men nâu, trắng ngà, lam... Các làng nghề còn thao diễn các công đoạn nghề của  nghệ nhân. Ðặc biệt lần đầu Làng Vạn Phúc giới thiệu công đoạn làm hoa (một khâu vốn là bí truyền của dệt lụa Vạn Phúc).

 

Tại khu triển lãm tôn vinh các làng nghề còn trưng bày 50 tác phẩm thư pháp của CLB Thư pháp Việt Nam, lớp Hán Nôm "Hương Nam học đường" với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, khéo tay nghề đất lề Kẻ Chợ", biểu diễn nghệ thuật thư pháp tại chỗ, đồng thời tổ chức Lễ phát động Liên hoan Thư pháp Việt Nam mừng Ðảng 80 tuổi, mừng Xuân mới, mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi. Các tác phẩm vào vòng chung khảo và các tác phẩm thư pháp đoạt giải sẽ được trao giải và trưng bày triển lãm vào dịp Tết Âm lịch đón năm mới 2010.

 

Khu triển lãm tôn vinh nghệ thuật ca trù tập trung giới thiệu bộ môn nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Nghệ thuật hát ca trù có một lịch sử lâu đời, theo như các thư tịch cổ còn để lại thì muộn nhất ca trù cũng ra đời từ thế kỷ 15, xuất phát từ dân gian đi vào cung đình, rồi lại trở lại dân gian. Trải qua bao thăng trầm, cho đến nay ca trù đã thật sự được hồi sinh. Rất nhiều địa phương trong cả nước đã khôi phục và phát triển hoạt động ca trù và ca trù đã được nhiều nước trên thế giới hâm mộ...  "Hát ca trù của người Việt" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Triển lãm có ba phần chính:  Ca trù - Truyền thống và bản sắc: Giới thiệu các giá trị nghệ thuật qua lời thơ trong các bài bản ca trù nổi tiếng; các điệu múa trong ca trù; nhạc cụ dùng trong ca trù; sinh hoạt văn hóa của ca trù (thể hiện bằng phim).  Không gian trình diễn của ca trù; các di tích liên quan ca trù (thể hiện bằng hình ảnh). Các bản ca trù nổi tiếng bằng chữ Hán (bản sao gốc, hoặc có thể thể hiện bằng thư pháp). Các điệu múa trong ca trù; bản sao thư tịch cổ: những sắc phong, thần phả về ca trù; trang phục biểu diễn của đào, kép;  bản đồ điện tử phân bố ca trù. Ca trù - Di sản sống: Giới thiệu: Danh sách, chân dung đào kép lão thành của các tỉnh, thành phố; hình ảnh nói lên những câu chuyện xúc động trong nghề của các nghệ nhân Ca trù xưa và nay. Ðồng thời giới thiệu sinh hoạt của các CLB Ca trù đang tích cực bảo vệ và phát huy giá trị Ca trù. Bảo vệ Ca trù - Biện pháp thực tiễn: Ðưa ra một số biện pháp đã và cần áp dụng trong thực tiễn để tôn vinh và bảo vệ nghệ thuật ca trù như: Bảo vệ bằng luật pháp: trích các điều từ Luật Di sản văn hóa liên quan bảo vệ loại hình nghệ thuật trình diễn và với nghệ nhân. Giới thiệu quảng bá nghệ thuật ca trù bằng du lịch...

 

Triển lãm nghệ thuật ca trù còn trở nên sống động bởi bên cạnh đó diễn ra Liên hoan Câu lạc bộ ca trù 2009. Phát huy hiệu quả của Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc năm 2007, Liên hoan Câu lạc bộ ca trù 2009 là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển, khơi dậy trong nhân dân niềm tự hào, niềm đam mê ca trù - một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc. Tham gia Liên hoan có khoảng 200 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, trống của 21 câu lạc bộ (trong đó có sự tham gia của Trung tâm UNESCO ca trù thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam), đại diện 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tiết mục tham gia Liên hoan đều có nội dung tốt,  lành mạnh, phản ánh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và mang tính giáo dục cao, nhiều tiết mục có chủ đề hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT