Non nước Việt Nam

Hò đối đáp: Nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ

Cập nhật: 24/07/2009 14:20:56
Số lần đọc: 2473
Dấu ấn sông rạch đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ tự bao đời nay, gắn bó với bà con như máu với thịt. Đặc biệt trong văn hóa dân gian Nam Bộ, sông rạch được xem như một yếu tố đặc trưng của văn hóa dân gian. Hò đối đáp ở Nam Bộ là một trong những loại hình diễn xướng dân gian có gắn bó mật thiết với môi trường sông nước.

Hò đối đáp ở Nam Bộ ngoài việc diễn xướng trong quá trình lao động mệt nhọc, gắn với đồng ruộng bao la, còn gắn với những dòng sông mênh mông nước. Có thể nói, chính môi trường sông nước ở đây đã làm nảy sinh những câu hò, điệu hát trên sông. Nếu như thiên nhiên chung quanh con người là cội nguồn của những cảm xúc nghệ thuật, thì sẽ không có gì là lạ khi ta thấy tần số xuất hiện rất cao của hình ảnh sông rạch, thuyền bè xuôi ngược với những bến, những vàm, những doi, những vịnh, những con nước lớn ròng trong sáng tác dân gian, đặc biệt trong ca dao, trong hò đối đáp.

Hò đối đáp ở Nam Bộ cho ta nghe một làn điệu mênh mông, gợi nhớ những cánh đồng bát ngát, những dòng sông phẳng lặng, dằng dặc. Người nông dân thường hát hò để gởi gắm tâm tư, tình cảm, để than thân trách phận và để vơi bớt nỗi nhọc nhằn nhưng cần cù lao động, yêu đồng ruộng và yêu cuộc sống quanh mình. Hò đã ăn sâu vào huyết quản của người dân trên sông rạch thuở ấy:

Chờ em cho mãn kiếp chờ

Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.

Khi nghe chàng trai cất lên câu hò, cô gái liền bẻ lại:

Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ

Ai biểu anh chờ mà anh kể công ơn.

Khi cô gái cất tiếng hò:

Khế với canh một lòng chua xót

Mật với gừng một ngọt một cay

Ra về bỏ áo lại đây

Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng.

Chàng trai liền đáp trả:

Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp

Trả áo cho anh về đi học kẻo trưa.

Chính những câu hò, điệu hát đó đã làm lay động lòng người, giúp con người yêu mến thiên nhiên, cảnh vật, yêu quê hương đất nước và thêm yêu vùng đất thân thương mình đang sống. Và cũng chính những câu giao duyên ấy đã làm nhịp cầu tri âm nối từ trái tim đến trái tim, tình yêu nảy nở cũng từ đó, thật lãng mạn và nên thơ.

... Thấy em có cái gò má hồng hồng...

Phải chi em đừng mắc cỡ...

Đừng mắc cỡ, thì anh xin bồng... em hôn...

Khi nghe người con trai cất câu hò như vậy, người nữ liền hòa theo:

Chuyện vợ chồng đâu có khá bồn chồn...

Anh thương em nên dè dặt...

Chớ để thiên hạ đồn không hay...

Một đêm trăng thật thơ mộng trên sông nước Nam Bộ. Cô gái lơi mái chèo cất giọng hò rơi, chàng trai chèo ghe ngang nghe được liền đáp lại. Hai người hò qua hò lại, chừng cảm mến nhau, anh con trai đi thẳng vào vấn đề hôn nhân, nhưng cô gái còn e ngại vì còn chờ quyết định của mẹ cha:

Đầu giồng có cây duối,

Cuối giồng có cây da,

Ngã ba đường cái có dây tơ hồng.

Con gái chưa chồng tấm lòng hực hỡ!

Con trai chưa vợ ruột thắt như tranh!

Ngó lên mây trắng trời xanh,

Ai ai cũng vậy ưng anh cho rồi!

Nghe chàng trai ngỏ ý, cô gái liền trả lời:

Sông dài gió thoảng...

Em nghe mấy lời của anh than vãn,

Trong dạ em thương cảm bớ chàng!

Phải chi em có quyền sắp đặt giang san,

Thời nợ duyên duyên nợ...

Em cũng chẳng để cho chàng đợi trông!

Anh con trai tiếp lời:

Gió thổi hiu hiu chín chiều ruột thắt,

Nhìn sao bên bắc, nước mắt chảy bên đông!

Ai xui chi cho vợ vợ với chồng chồng,

Biết đây với đó mà ông tơ hồng có xe?

Nghe chàng trai than vãn, cô gái liền trở giọng an ủi, đồng thời đưa ra một số nguyên nhân khiến cho cô không dám nhận lời chàng trai, mặc dù “tình trong như đã mặc ngoài còn e”:

Giao ngôn chắc quá,

Em sợ má em rầy!

Câu tứ mã nan truy,

Em sợ dì em giận!

Để em về nhà thưa lại,

Chừng cha má có đành.

Thời loan phụng,

Em sẽ với bạn lành bắt tay!

Những câu hò vang mãi, truyền tải những tâm tư, nỗi lòng của những người lao động chân chất, hiền hòa. Giọng hò Nam Bộ bay bổng, trải dài trên sông hòa nhịp vào mái chèo khua nước, tạo nên một âm thanh sâu lắng, ngọt ngào.

Ngày xưa, trên các cánh đồng vào mùa cấy, những nam thanh nữ tú của miền thôn dã đã lao vào công việc mệt nhọc, để giải khuây họ cất lên những câu hò đối đáp, cũng là để bày tỏ, trang trải nỗi lòng:

Em thấy anh ăn học mà cũng thông, lợi đây em hỏi mà cái khăn bàn lông mấy đường...

Em ơi, cái khăn bàn lông đây anh đội cũng thường, bây giờ nó cũ mà mấy đường anh cũng quên.

Hoặc một chiếc xuồng câu đang buông trôi trên dòng nước, cảnh sắc thanh bình, dòng sông yên ả, anh thanh niên trong bộ bà ba bạc màu cao hứng ngâm ngợi vài câu:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi.

Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm.

Tiếng hò ngân vang trên dòng sông mênh mông nước, nghe sao êm ái, ngọt ngào, lại một chiếc ghe của cô gái chở hàng bông đi chợ từ xa chèo đến, nghe được câu hò của anh thanh niên, cô cũng liền cao hứng đáp lại:

Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể

Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu.

Hò đối đáp ở Nam Bộ là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không những chỉ nhằm bộc lộ nỗi lòng mình với quê hương đất nước mà còn nhằm làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống lao động để mưu sinh, đồng thời nó cũng là cầu nối cho những đôi lứa yêu nhau, cùng nhau tạc dạ ghi lòng, mong có một ngày được gá nghĩa trăm năm.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT