Non nước Việt Nam

Chèo Chải hê một nét văn hóa của người Kinh Bắc

Cập nhật: 23/07/2009 09:07:10
Số lần đọc: 3860
Từ xa xưa, người dân Lũng Giang và Tam Sơn (Tiên Du - Bắc Ninh) đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất tín ngưỡng, kể về công lao nuôi dưỡng của cha mẹ và lòng hiếu thảo của con cái, gọi là Chèo Chải hê (chèo nhị thập tứ hiếu). Tuy nhiên, cũng như số phận của nhiều loại hình văn hoá dân gian khác, Chèo Chải hê đang dần mai một và vắng bóng những nghệ nhân tài năng, tâm huyết.

Một dòng chảy của quan họ?

Ông Nguyễn Năng Địch, 60 tuổi, là nghệ nhân duy nhất còn lưu giữ và ghi nhớ cội nguồn cũng như lịch sử phát triển của thể loại chèo cổ này. Nghe các cụ kể lại, để xây đình làng, trai tráng Lũng Giang phải lên rừng chặt gỗ. Khi kéo về đến đoạn sông qua làng Tam Sơn thì bị mắc cạn, phải nhờ sự giúp đỡ của nhân dân làng này. Từ đó hai làng kết chạ và Chèo Chải hê bắt nguồn từ tích này. Những lời lẽ trong Chèo Chải hê mang đậm chất nhân văn, nội dung của nó kể về công cha, nghĩa mẹ và tấm lòng hiếu thảo của người con.

Chèo Chải hê là nét văn hoá rất đặc biệt của nền văn hoá sông nước và chỉ có ở hai làng Lũng Giang và Tam Sơn. Nét đặc trưng của Chèo Chải hê là điệu ai - buồn, do vậy thường được tổ chức vào những dịp như tiết thu tháng Tám (vào mùa giỗ) để báo hiếu công ơn cha mẹ, hay những đám mừng thọ, đám hiếu... Nhiều nhà nghiên cứu có chung cảm nhận, thể loại văn hoá này có gì đó phảng phất giống Quan họ. Bản thân ông Địch cũng nhận định: “Phải chăng đây chính là một dòng chảy của Quan họ?”.

Văn hoá cổ đang dần bị lãng quên

Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch đã ngoại lục tuần nhưng ông vẫn minh mẫn, và tự hào, say sưa khi kể về “báu vật” cha ông để lại. ông thuộc tất cả những làn điệu của Chèo Chải hê. ông cho hay, người đầu tiên nghiên cứu về Chèo Chải hê chính là người bạn cũ của ông, TS. Lê Văn Toàn (Phó viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam). Năm 2003, khi đến nhà ông, được nghe câu hát vọng ra: “Đi đâu từ tối đến giờ/Để cho tin đợi tin chờ tin mong”, ông Toàn đã thốt lên: “Đúng là Chèo Chải hê rồi”. Thời gian sau, Chèo Chải hê được đưa vào chương trình cấp quốc gia về sưu tầm, bảo tồn văn hoá phi vật thể của dân tộc do Viện âm nhạc thực hiện. Cũng từ đó, rất nhiều báo, đài về đưa tin và đề nghị ông Địch dựng lại phường Chèo Chải hê. Trường Văn hoá nghệ thuật Bắc Ninh cũng mời ông giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ mong sao họ có thể bảo tồn và giữ lại được nét văn hóa độc đáo của địa phương. ông cũng dựng thành công một trích đoạn Chèo Chải hê tham gia Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2006 tại Đà Nẵng.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Năng Địch có rất nhiều đời và nhiều người biết hát Chèo Chải hê, ngày nhỏ ông thường có mặt trong các cuộc hát để phục vụ trà nước cho các nghệ nhân, cũng là các bác của ông.

Nhưng việc phục dựng Chèo Chải hê cũng không hề xuôi chèo mát mái. Người Lũng Giang có truyền thống buôn bán giỏi, trong thời buổi kinh tế thị trường, người dân còn mải mê làm kinh tế nên rất khó tập hợp được hơn 20 người tâm huyết để phục dựng phường Chèo Chải hê. Bên cạnh sự thiếu về nhân lực còn thiếu cả kinh phí, thời gian. ông Địch nói: “Nếu vận động được nhân lực cũng không biết lấy tiền đâu ra để chi trả cho các hoạt động”.

Trải qua những cuộc nghiên cứu, dàn dựng, Chèo Chải hê đã sống lại được một phần nhỏ. Song con đường để bảo tồn và phục hồi vẫn còn lắm gian nan, bởi những người còn nhớ Chèo Chải hê không nhiều. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy thực tế mới nằm trên sách vở. Còn để đưa Chèo Chải hê vào cuộc sống sinh hoạt của người dân là rất khó, đã mấy năm trôi qua nhưng phường chèo chưa một lần sinh hoạt.

Ông Địch tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách dàn dựng và ghi lại những hình ảnh về điệu múa, giọng hát để sau này khi khuất núi còn có một tài sản đáng giá được lưu giữ cho đời sau”. Biết đến bao giờ mới được thưởng thức những lời ca, điệu múa độc đáo, những đêm diễn Chèo Chải hê sinh động, là hiện thân của một đời sống dân gian xa xưa, mà sự hồn nhiên, khoẻ khoắn của đời sống ấy rất cần được trở lại trong ngày hôm nay.

Nguồn: Website báo Kinh tế Nông thôn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT