Non nước Việt Nam

Những bình trà độc nhất vô nhị

Cập nhật: 19/06/2009 08:21:45
Số lần đọc: 2112
Hơn 300 bình trà cổ với những hình dáng kỳ lạ - đó là bộ sưu tập có một không hai của ông Mông Nông Vũ ở Thái Nguyên, trong đó có một bình trà gọi là Hỏa lò, mà ông cho rằng có xuất xứ ở trong phủ chúa Trịnh thuở trước.

Ông Mông Nông Vũ (Vũ Quý Nhân) hiện đang là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Nguyên. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất của trà Định Hóa, từ nhỏ đã tiếp xúc với trà, hằng ngày dùng trà như đồ uống chủ yếu, rồi yêu và trở thành một người chuyên nghiên cứu về trà. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền của để sưu tập các bình trà quý. Hễ nghe ai bảo ở đâu có bình trà cổ là ông đều lân la tìm đến, hỏi mua cho bằng được. Một số bình trà khi mua có giá hơn cả chục lần lương tháng của ông.

 

Trong số trên 300 bình trà của bộ sưu tập, có những bình trà Việt cổ được làm cách nay 700-800 năm. Ông nhận xét: “Những bình trà này cho thấy ông cha ta đã có một văn hóa trà khác biệt với văn hóa trà của Nhật Bản và Trung Quốc và truyền thống đó còn ảnh hưởng đến ngày nay”.

Trong bộ sưu tập của ông có những bình trà quý gần 800 năm (như bình Gà thần) với kiểu dáng lạ lùng: nắp bình có hình một con gà trống. Một số bình trà là đồ gốm Chu Đậu của Việt Nam; có những bình trà được làm từ thời Lý, Trần, Lê với các họa tiết rồng phượng; lại có cả những bình trà Trung Quốc từ các thời nhà Tống, Minh, Thanh; và những bình trà kiểu dáng Nhật Bản.

Trong bộ sưu tập này, có một bình trà hình dáng rất lạ, gọi là Hỏa lò, mà theo ông, trước kia nó nằm trong phủ chúa Trịnh. Điều đặc biệt là phần bên trong của nó là một bình trà, còn phần bên ngoài là một cái bếp lò để giữ trà nóng cả ngày cho Chúa.

Dân sành trà tổng kết, để có ấm trà ngon, trước hết nước pha trà phải tinh sạch, chất lượng trà phải cao, pha trà phải đúng cách và cuối cùng là bình trà phải đẹp. Mặc dù chỉ đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách nói trên, thế nhưng bình trà lại thể hiện được sự sang trọng và chiều sâu văn hóa của gia chủ trong cuộc trà.

Ở Việt Nam có 3 phong cách thưởng trà, thứ nhất là thưởng trà theo cách dân gian, thứ hai là theo cách tao nhã của các tao nhân mặc khách và thứ ba là thưởng trà trong sự giao hòa với tâm linh. Thật vậy, không chỉ lễ tết, mà lễ đình, lễ chùa, lễ thánh thần, lễ thổ công thổ địa... người Việt thường dùng trà làm lễ vật để dâng cúng. Sau đó, pha trà để mọi người cùng uống. Thưởng thức trà giao hòa với tâm linh là một phong cách uống trà độc đáo của người Việt.

Nguồn: website Thể thao &Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT