Hoạt động của ngành

Du lịch qua "đất trăm nghề" – Quảng Nam

Cập nhật: 05/06/2009 15:50:37
Số lần đọc: 2332
“Đất Điện Bàn vừa xanh vừa mát…”, đó là mảnh đất có dinh trấn Quảng Nam xưa, có La Qua thành cũ, tháp Bằng An rêu phong; sông Thu, sông Vĩnh Điện khắc tạc lên cửu đỉnh một thời… Du chơi qua vùng đất ấy là thấm đẫm trong hồn quê xứ sở, nơi mạch nguồn văn hóa ghi dấu thời mở nước hào hùng…

Không có nhiều di tích kiến trúc nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn, nhưng Điện Bàn, dải đất vắt mình giữa hai di sản thế giới ấy, là đất có bề dày văn hóa với những vỉa quặng lịch sử, danh nhân… Nơi thôn dã, Điện Bàn còn bảo lưu khá nhiều những nét đặc trưng của làng quê Việt với những mái đình, giếng cổ. Có những làng đã định danh vào lịch sử, văn hóa đất Quảng bởi đã sản sinh và lưu dấu huyền tích, giai thoại về các bậc anh hùng, hào kiệt, nhân tài như Xuân Đài (nơi sinh thành và yên nghỉ của chí sĩ Hoàng Diệu), Bảo An (Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Khôi, Phan Bôi…), Tư Phú (Trần Cao Vân, Trần Thị Lý), Bất Nhị (Trần Quý Cáp), Cẩm Sa (Ngô Lý), Ngân Câu (Phạm Như Xương), Thanh Quýt (Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Trỗi)… Danh nhân Nguyễn Trãi gọi Điện Bàn là “phên giậu” của Đại Việt một thời, đó là nơi cõi giáp châu Ô, đất sính lễ cưới Huyền Trân công chúa.

Trên hành trình mở cõi, Điện Bàn là đất tụ hội của “trăm nghề” xuất xứ từ vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ngoài nghề nông, là nghề mộc, nghề đúc đồng, dệt vải xe tơ, làm gốm, dệt chiếu, mây tre đan, chế biến nước mắm, làm bánh, làm đường… Những làng nghề hình thành hàng mấy trăm năm đã tạo dựng cho Điện Bàn một vóc dáng riêng biệt ở bên bờ sông Thu. Chính vì vậy, sự góp mặt vào Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ IV với nhiều hoạt động lớn và đặc sắc của Điện Bàn đã phần nào nói lên được thế mạnh về tiềm năng du lịch của vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử này. Điện Bàn lại đóng một vai trò quan trọng để kết nối, điểm dừng chân đầy thú vị cho những ai thích tìm cái mới lạ.

 

Điện Bàn có lợi thế nằm ở trung điểm 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn; nối liền giữa trung tâm kinh tế Đà Nẵng và khu du lịch lớn Hội An. Bên cạnh mục tiêu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2010, Điện Bàn đã và đang hướng đến việc phát triển mạnh mẽ ngành du lịch - dịch vụ. Đề án phát triển du lịch Điện Bàn từ năm 2007-2015 xác định Thương mại dịch vụ sẽ là mục tiêu chính cho ngành kinh tế huyện nhà. Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ IV chính là một trong những cơ hội để Điện Bàn thể hiện được vai trò và tiềm năng lớn mạnh của mình. Đoàn xe cổ hơn 300 chiếc sẽ ghé chân làng đúc đồng Phước Kiều. Một hội chợ làng nghề truyền thống quy tụ tất cả những tinh hoa, sản vật, đặc sản của Điện Bàn sẽ làm hài lòng những ai ghé chân về nơi này. Dòng sông Thu hiền hòa chảy ngang qua Điện Bàn, xuôi về Hội An sẽ rực rỡ những thuyền hoa. Con đường với những quán bê thui nổi tiếng trên cả nước sẽ càng tấp nập hơn trong những ngày lễ hội.

Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa cách mạng, những làng nghề truyền thống… ngành du lịch Điện Bàn có quyền hy vọng vào một tương lai không xa. Một làng tre Việt đang mọc lên trên vùng đồi Bồ Bồ - chiến địa nổi tiếng. Một làng hoa bên sông làm xiêu lòng người lữ thứ. Tiếng cồng chiêng âm vang. Đặc biệt, những khách sạn, resort mang tầm quốc tế trải dài bên bờ biển thơ mộng… Đó là những nét mới của Điện Bàn. Theo đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007-2015; trong giai đoạn 2007-2010 giá trị sản xuất của ngành thương mại du lịch sẽ tăng bình quân 18-20%. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng ngành thương mại- du lịch sẽ chiếm 24% giá trị sản xuất của toàn ngành kinh tế, thu hút 10-20 nghìn lao động trong khu vực nông thôn. Việc định hướng và định hình các loại hình du lịch đã xác định là: du lịch biển, du lịch sinh thái lâm viên, du lịch làng nghề truyền thống, làng quê, du lịch sinh thái sông nước, du lịch văn hóa - lịch sử-cách mạng.

Đất đang mở hội cùng lòng người, “đất trăm nghề” sẽ tìm thấy sự hòa quyện của sắc xưa với hôm nay, như dòng Thu dạt dào cùng năm tháng…

Nguồn: website báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục