Hành trang lữ khách

Tham quan thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương

Cập nhật: 08/04/2009 14:14:06
Số lần đọc: 2041
Đến Thủ Dầu Một (Bình Dương), du khách có cảm giác như đang ở một miền trung du trù phú với những con đường uốn lượn quanh co, lên xuống dốc ngoạn mục. Tuy nơi đây không có những rừng thông bạt ngàn cùng cái lạnh dễ chịu của xứ sương mù nhưng tại thị xã này, có khá nhiều công viên rộng rãi với cây xanh ngút mắt...

Hàng chục năm qua, chùa Bà tọa lạc giữa lòng thị xã là một điểm đến của du khách khi đến Thủ Dầu Một. Ngôi chùa này có tên là Thiên Hậu cung - miếu thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, do bốn ban người Hoa quản lý: Phước Kiến, Hẹ, Quảng và Tiều. Thiên Hậu Thánh mẫu là con một gia đình họ Lâm, quê ở làng Mỵ Châu, Bồ Điền, Phước Kiến, vào thời Tống, Trung Hoa. Tương truyền trong một ngày mưa to gió lớn, cha và anh Bà đi biển chưa về, Bà một thân chèo thuyền ra biển tìm, cứu được người anh. Từ đó tiếng tăm bà vang xa, được nhiều người tôn sùng. Năm 21 tuổi, bà mất và được nhiều người tin tưởng cho rằng bà luôn giúp ngư dân thoát nhiều cơn bão biển. Khi người Hoa di cư sang Việt Nam cư trú, họ lập miếu thờ Bà.

Được làm vào giữa thế kỷ 19, Thiên Hậu cung mang đậm bản sắc văn hóa kiến trúc người Hoa. Hai cổng vào chùa sơn màu đỏ truyền thống của dân tộc Hoa. Chính điện là bàn thờ Bà Thiên Hậu lúc nào cũng khói hương nghi ngút, khách thập phương tấp nập lễ bái.

Hằng năm, vía Bà diễn ra vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, là ngày lễ lớn ngang bằng với lễ vía Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang), lễ vía Bà Đen (Tây Ninh). Nhưng lễ lớn nhất diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng trăm ngàn khách thập phương đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Khi đó, chùa Bà rực rỡ trong các loại cờ nhiều màu sắc. 12 chiếc lồng đèn lớn (tượng trưng 12 tháng trong năm), trang trí đẹp mắt, treo thành một hàng dài trước cổng chùa... Cả thị xã Thủ Dầu Một hầu như thức suốt đêm 14, rộn rịp suốt cả ngày 15. Đây là dịp họ đến cúng bái cầu mong Bà ban cho gia đình an khang, hạnh phúc, tài lộc dồi dào trong năm mới. Ngày hội rằm tháng Giêng âm lịch tại chùa Bà đã trở thành ngày hội lớn của cư dân Hoa - Việt.

Đến cà phê Gió và Nước, khách sẽ được ngắm nhìn một kiến trúc hoàn hảo theo đậm phong cách Việt. Nằm trong nội vi thị xã, cà phê Gió và Nước được khai trương vào năm 2006 và nổi tiếng trong nước và ngoài nước nhờ kiến trúc rất độc đáo. Công trình này do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng các cộng sự Nguyễn Hòa Hiệp, Sakata Minoru, Ohara Hisamori thiết kế, áp dụng nguyên tắc khí động học nhằm sử dụng tối đa năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành hệ thống điều hòa nhiệt độ tự nhiên. Kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt cổ kính nhưng rất hiện đại, Cà phê Gió và Nước đã đoạt 3 giải thưởng lớn trong và ngoài nước: giải nhì Giải thưởng kiến trúc 2006 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, giải nhì Cuộc thi kiến trúc quốc tế các công trình làm bằng tre năm 2007 tổ chức tại Mỹ, giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành được giải thưởng và là giải cao nhất của cuộc thi.

Vào quán, bạn đi trên con đường trải đá cuội dài theo hai hàng tầm vông cong ngọn đón chào. Quán là nhiều ngôi nhà được kết cấu từ 7.000 cây tầm vông, mái tranh mát rượi, nằm lẫn trong những dây leo xanh ngắt cùng những cụm tầm vông xinh xắn. Đến từng ngôi nhà, bạn phải bước qua những chiếc cầu xi măng bắc ngang hồ nước trong xanh. Chung quanh các ngôi nhà toàn là hồ nước nên lúc nào không khí cũng mát mẻ. Cứ tưởng hồ nước rất sâu, nhưng thực ra rất cạn. Cảm giác sâu có được là nhờ tác dụng của sắc đá đen lót đáy hồ. Vào từng ngôi nhà, bạn bước xuống bậc cấp, bàn ghế ngồi kết cấu toàn bằng tre rất đẹp mắt, thấp hơn mặt nước bao quanh. Chính nhờ vậy mà nước hồ có tác dụng làm mát không gian bạn ngồi.

Dù có nhiều khách đến thưởng thức cà phê hoặc nước giải khát nhưng không khí ở đây luôn thoáng đãng, thanh sạch, yên tĩnh... Cà phê Gió và Nước còn là nơi để du khách tìm đến thả mình trong không gian yên tĩnh trong một tỉnh công nghiệp hóa như Bình Dương.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục