Nhìn ra thế giới

Đặc sắc lễ hội nước

Cập nhật: 14/04/2008 08:04:03
Số lần đọc: 3806
Lễ hội nước được gọi là Songkran ở Thái Lan, Thingyan ở Myanmar, Chaul Chnam Thmey ở Campuchia và PiMai ở Lào, là lễ đón mừng năm mới kéo dài trong khoảng ba tới bốn ngày giữa tháng tư, thu hút khoảng 120 triệu người tại bốn quốc gia

Songkran là dịp lễ truyền thống từ bao đời của dân tộc Thái. Ở khắp mọi nơi trên đất nước Thái Lan và ở những khu vực sinh sống của người Thái ven biên giới các nước Myanmar, Lào và khu vực của người Hoa gốc Thái tại Hồ Nam – Trung Quốc, lễ hội nước Songkran diễn ra tưng bừng.

Tham dự Songkran ở Chiang Mai chúng tôi  cùng đắm mình với vũ điệu nước náo nhiệt ở tỉnh biên giới phía bắc này của Thái Lan, ướt sũng từ đầu tới chân, la hét, nhảy múa tưng bừng với hàng chục nghìn người trôi từ từ trên các phố. Du khách nước ngoài cũng thích thú hoà chung vào không khí rộn rã ở nơi đây. Chúng tôi cũng mặc áo hoa văn sặc sỡ in hình hoa đại (bông sứ – quốc hoa của Thái Lan) hoặc hình cây dừa và đeo vòng hoa nhài trên cổ như bao người dân Thái. Mỗi chúng tôi đều cầm trong tay một xô nước nhỏ và thích thú té vào người đi đường, họ lại dùng vòi phun trên xe tưới đẫm chúng tôi. Ai nấy đều reo hò, miệng cười tới mang tai vì khoái chí. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng nhạc vọng ra từ khắp các xe ô tô, từ mọi góc phố, vẳng ra từ các nhà. Cả thành phố là một bầu không khí cuồng nhiệt. Chia tay Chiang Mai về lại Bangkok bằng chuyến tàu chiều khởi hành chậm hơn tiếng đồng hồ vì kẹt đường do Songkran, chúng tôi im lặng uống bia trên tàu mà bên tai vẫn như có đủ cả những âm thanh sôi nổi của Chiang Mai, bất giác cười xoè và rụt cổ lại như vừa nhận được cả gáo nước lẫn đá viên mát lạnh vào lưng.

Lễ hội chính khởi đầu cho một năm mới theo truyền thống Myanmar là lễ hội nước Maha Thingyan. Thingyan diễn ra từ ngày 13 – 16.4 hàng năm, khi tiết trời nóng nhất trong năm.

Tôi được đi chơi tết té nước ở Myanmar cùng gia đình người bạn, lại thêm một ngày hội vui trong đời. Chúng tôi rượt đuổi nhau trên phố, chí choé tranh chỗ dưới những vòi phun nước tập trung thành từng điểm cấp nước trên đường dành riêng cho dịp lễ này, để được những tia nước mát lạnh  rắc lên tóc, tưới đẫm quần áo, lòng thật sự tin đây như nguồn may mắn mát lành mang hạnh phúc tới cho năm mới. Những chiếc xe bán tải chở đầy người đang hớn hở, đánh trống, chơi nhạc, hát hò cũng đỗ lại chờ tới lượt được phun nước rồi lại tưng bừng diễu hành khắp Yangoon.

Người ta đổ ra đường, tập trung trên quảng trường; mọi người hoan hỉ nhảy múa, hò reo theo điệu nhạc phát ra từ những loa thùng cực lớn đặt ngoài phố. Ai nấy đều ướt sũng, hoà mình vào sự náo nhiệt khắp nơi, xoá nhoà ranh giới đẳng cấp, giàu nghèo.

Tất cả đều mặc trang phục truyền thống, đàn ông phụ nữ mặc longi (một loại xà rông, là một mảnh vải dài cuốn quanh thân dưới và thắt chặt ở eo lưng) mới bằng vải tốt, hoa văn sặc sỡ hơn ngày thường, các bé gái được trang điểm bằng hoa tươi, vẽ hình lên trán, lên má, phụ nữ xoa thanaka (một loại vỏ cây mài chung với nước xoa lên mặt cho mát, tránh cái nóng của vùng nhiệt đới) khắp má khắp cổ, những đôi môi đỏ tươi vì trầu.

Chúng tôi cùng hoà vào dòng người đi lễ chùa. Điều đặc biệt ở đất nước Phật giáo này là có những khu vực cầu nguyện dành riêng cho các thứ trong tuần, những người sinh ra vào từng thứ đều tới chùa vào đúng thứ đó và cảm tạ trời đất, đức Phật, mẹ cha đã sinh ra vào ngày đẹp. Tên đầy đủ của người Myanmar cũng bao gồm ngày thứ họ sinh ra, và không có họ. Ví dụ tên một người bạn của tôi là Tin Aung Than, khi gọi tên anh ta biết ngay rằng anh ấy sinh ra vào thứ bảy, vì Tin có nghĩa là thứ bảy. Và vào các thứ bảy, anh ta đều đặn tới khu vực dành cho những người sinh vào ngày này để lễ chùa.

Không khí tưng bừng, náo nhiệt tại Lào và Campuchia cũng không kém hai quốc gia láng giềng nói trên. Các trạm cấp nước với nhiều vòi phun tạo thành những chùm tia nhỏ được lắp đặt khắp nơi; lối đi vào thành phố qua các cầu đều có những vòi phun tạo thành những cầu vồng nước trên cao và mọi xe qua lại đều được tưới đẫm người. Người dân bốn nước đều đi lễ chùa, dự lễ tắm tượng, dâng đồ lễ lên sư sãi và các cuộc múa hát đón mừng năm mới tưng bừng.

 

Nguồn: SGTT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT