Hoạt động của ngành

Đông Triều – Quảng Ninh khai thác hiệu quả tuyến, điểm du lịch

Cập nhật: 07/03/2017 08:39:43
Số lần đọc: 1085
Đông Triều hiện có 4 tuyến, 14 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó nhiều tuyến, điểm đã và đang được khai thác khá hiệu quả. Vừa qua, thị xã cũng đã lập phương án quản lý nhằm xây dựng các tuyến, điểm này theo hướng văn minh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng cao...


Am - chùa Ngoạ Vân nằm trong tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần đặc biệt “hút” khách vào mùa hội xuân.

Mùa hội xuân năm nay, du khách về với các đền, chùa tại Đông Triều nói chung, các điểm di tích thuộc tuyến, điểm du lịch trên địa bàn thị xã nói riêng đều có ấn tượng về không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Có được điều đó là từ sự chỉ đạo sớm của thị xã, chủ động vào cuộc tích cực của các địa phương, ban tổ chức lễ hội, ban quản lý và các cơ sở thờ tự trên địa bàn. Như đền An Sinh, cụm di tích Ngoạ Vân, việc dọn vệ sinh được thị xã làm từ trước và duy trì trong suốt mùa hội xuân; đặc biệt, các điểm di tích của Ngoạ Vân trải dài theo đường núi nên mùa lễ hội, thị xã hợp đồng với Công ty Hải Yến để thu gom, đưa rác đi trong ngày. Hay như lễ hội chùa Quỳnh Lâm, mặc dù chùa đang thi công khá bề bộn, chuẩn bị cho ngày khai hội, Trường THCS Tràng An đã tổ chức cho các em học sinh nhà trường dọn vệ sinh xung quanh khu vực chùa. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của nhà trường trước mùa lễ hội hàng năm nhằm làm sạch môi trường, thu hút du khách hành hương.

Không chỉ vậy, hoạt động lễ hội ở các di tích cũng được tổ chức trang trọng, nghiêm trang về phần lễ và sinh động, vui tươi về phần hội với hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian phong phú. Các điểm dừng, đỗ xe được bố trí phù hợp, niêm yết giá cả... tạo thuận lợi cho các phương tiện di chuyển ra, vào tại điểm du lịch. Cùng với đó, công tác ANTT, an toàn cho du khách, phòng, chống cháy nổ, VSATTP cũng rất được chú trọng, không có hiện tượng bán hàng rong, chèo kéo, tạo nên nét văn hoá, văn minh trong lễ hội.

Bức tranh tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần với các điểm như chùa Quỳnh Lâm - đền An Sinh - đền Thái - chùa, am Ngoạ Vân - chùa Hồ Thiên bước đầu cho thấy sự khởi sắc đáng khích lệ, mặc dù mức độ “hút” khách của mỗi điểm không giống nhau. Cho đến nay, ngoại trừ chùa Hồ Thiên chưa đầu tư xây dựng, Quỳnh Lâm đã cất nóc một trong 3 ngôi chính, các điểm di tích còn lại đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện đón khách và bắt đầu có những tour du lịch đưa khách tới đây, nhất là đền Sinh, am - chùa Ngoạ Vân.

Tương lai không xa nữa, diện mạo các điểm du lịch trong tuyến này sẽ còn hứa hẹn sự thay đổi lớn hơn. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng VH-TT Đông Triều, cho biết: Tập đoàn Vingroup đang dự kiến tới đây sẽ đầu tư khảo cổ chùa Thượng và khu Đá Chồng (Ngoạ Vân) làm cơ sở trùng tu, tôn tạo vào năm tới. Chùa Thượng là công trình được xây cách đây hơn 20 năm, đã cũ nát lại không theo thiết kế của chùa, dự kiến sau khảo cổ sẽ tiến hành dựng lại công trình theo dáng dấp, phong cách kiến trúc thời Trần. Cuối năm nay sẽ tiếp tục khảo cổ đền An Sinh làm cơ sở đầu tư xây mới, mở rộng trong 2 năm tới đây. Quan điểm của Vingroup là công đức tu bổ, tôn tạo cho Khu di tích nhà Trần từ 500 đến 1.000 tỷ đồng...

Không chỉ nằm trong tuyến du lịch tâm linh, một số điểm di tích kể trên còn nằm trong tuyến du lịch tâm linh kết hợp sinh thái của thị xã. Các giải pháp để quản lý tuyến, điểm này cũng tương tự với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý, kết hợp với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và bản sắc văn hoá địa phương. Thị xã đặc biệt chú trọng việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường khu, điểm du lịch; chỉnh trang, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông kết nối các điểm du lịch; quản lý đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch dọc tuyến phù hợp với quy hoạch. Riêng đối với điểm du lịch hồ Khe Chè chủ yếu “hút” khách vào mùa hè, thị xã giao cơ quan chức năng phối hợp với xã An Sinh tăng cường quản lý, hướng dẫn cắm các biển cảnh báo, xây dựng phương án và bố trí lực lượng trực cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi tới đây.

Tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều của thị xã hiện nay cũng “hút” nhiều dòng khách khác nhau (các làng nghề gốm sứ truyền thống, Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh, làng quê Yên Đức và Công viên Hà Lan). Với đặc thù khác nhau, thị xã yêu cầu các điểm dừng chân mua sắm phục vụ khách du lịch thực hiện tốt môi trường kinh doanh du lịch, như: Niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; đảm bảo chất lượng hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo VSATTP đối với các điểm dừng chân có dịch vụ ăn uống phục vụ khách. Đối với Công viên Hà Lan cần xây dựng phương án và bố trí lực lượng cứu hộ tại công viên nước để đảm bảo an toàn cho du khách. Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thêm: Các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn có đặt hàng là sẵn sàng ngay. Như vừa qua, có mấy tour đã đưa học sinh về trải nghiệm tham quan làng nghề gốm sứ. Hiện nay, cái khó trong khai thác tuyến du lịch này là chưa có doanh nghiệp nào đứng ra để tạo sản phẩm du lịch...

Như vậy, 3/4 tuyến du lịch trên địa bàn đã vận hành. Hiện chỉ còn tuyến du lịch Đệ tứ Chiến khu Đông Triều là chưa đi vào khai thác theo tour tuyến. Nói về điều này, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Điểm du lịch trọng tâm của tuyến là chùa Bắc Mã hiện đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo nên chưa thành sản phẩm tour tuyến. Các hạng mục tại đây như: Nhà lưu niệm, đình, khu tượng đài, quảng trường đều có kế hoạch, lộ trình xây dựng trong năm nay, vì vậy ước khoảng năm 2018 thì tuyến này mới phát huy được...

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục